Multimedia Đọc Báo in

HĐND tỉnh giám sát công tác trồng rừng, phát triển rừng trên địa bàn huyện Krông Năng

15:41, 29/03/2023

Ngày 29/3, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác trồng rừng tập trung, phát triển rừng trên địa bàn huyện Krông Năng, giai đoạn 2019 - 2022.

Theo báo cáo của UBND huyện, hiện nay tổng diện tích đất có rừng của địa phương là 11.718,10 ha; trong đó, 5.458,74 ha rừng tự nhiên và 6.259,36 ha rừng trồng.

Giai đoạn 2019 - 2022, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, qua đó kịp thời phát hiện các vụ vi phạm lâm luật; tình hình cháy rừng không xảy ra; đặc biệt không có "điểm nóng" về phá rừng, hạn chế được diện tích rừng bị xâm hại.

Các địa phương đã tổ chức 110 lượt tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản chỉ đạo của cấp trên lưu động tại các thôn, buôn có rừng thuộc các xã: Ea Dăh, Cư Klông, Ea Tam, Ea Púk, Dliêya; ký 205 bản cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với người dân.

1
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng (giữa) trao đổi với lãnh đạo huyện Krông Năng khi khảo sát thực tế tại Tiểu khu 323 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng (xã Ea Tam).

Huyện đã trồng 1,39 ha rừng thay thế bằng nguồn vốn ngân sách, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; trồng 308 ha rừng sản xuất bằng nguồn vốn của các Dự án nông - lâm nghiệp và các hộ nhận khoán.

Trên địa bàn huyện hiện có 4 Dự án nông - lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên được giao quản lý, phát triển trồng rừng, trồng cây dược liệu. Đến nay, hầu hết các đơn vị thực hiện tốt công tác trồng rừng, phủ xanh hầu hết các diện tích được giao, bảo đảm thực hiện đúng mục đích sử dụng. Giai đoạn 2019 - 2022, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện tăng từ 13,3% lên 19,07%. 

1
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Tiểu khu 314 thuộc quản lý của Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành (xã Ea Tam).

Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã phối hợp thực hiện tốt chính sách giao đất, giao rừng để trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân được hưởng lợi đầy đủ; tạo điều kiện để các chủ rừng triển khai trồng mới rừng sau khi khai thác, ổn định đời sống cho các hộ nhận khoán, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, giảm áp lực phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.

1
Ông Võ Đại Huế, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh (áo trắng), Tổ trưởng Tổ 2 cùng các thành viên khảo sát thực tế tại khu vực trồng rừng của Công ty TNHH MTV trồng rừng Tín Phát (xã Cư Klông).

Đoàn đã chia thành 2 Tổ đi khảo sát thực tế tại Tiểu khu 314 thuộc quản lý của Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành, Tiểu khu 323 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng (đều thuộc địa bàn xã Ea Tam), Công ty Kỳ Nam Việt và Công ty TNHH MTV trồng rừng Tín Phát (đều thuộc địa bàn xã Cư Klông).

1
Ông Võ Đại Huế, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh (ngoài cùng bên trái), Tổ trưởng Tổ 2 cùng thành viên Đoàn giám sát khảo sát công tác trồng cây Sâm Ngọc Linh của Công ty Kỳ Nam Việt (xã Cư Klông).

Qua báo cáo và giám sát thực tế, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đề nghị UBND huyện Krông Năng chỉ đạo các xã, đơn vị chủ rừng tăng cường phối hợp để công tác trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ rừng đến nhân dân; tăng cường giao khoán bảo vệ rừng cho phù hợp với phát triển của địa phương; gắn việc quản lý bảo vệ rừng với quy hoạch đất đai và thực hiện tốt công tác trồng rừng; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư trồng rừng, nâng độ che phủ rừng theo mục tiêu phát triển rừng của tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng mong muốn, thời gian tới, huyện có khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách pháp luật về trồng rừng, phát triển rừng thì kiến nghị, đề xuất để đoàn tổng hợp, gửi các ngành chức năng xem xét, giải quyết.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.