Multimedia Đọc Báo in

Đưa sản phẩm vùng biên vươn xa

08:15, 03/01/2023

Tạo sức bật cho sản phẩm nông nghiệp ở huyện vùng biên Buôn Đôn, người dân trên địa bàn đã và đang dần thay đổi lối tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, liên kết để phát triển bền vững.

Hợp tác, liên kết để đi đường dài

Kiệt quệ kinh tế vì cây hồ tiêu, anh Nguyễn Văn Phóng (xã Ea Wer) đã chuyển sang nuôi heo rừng lai để cải thiện kinh tế. Thấy hiệu quả, nguồn thức ăn có sẵn lại dồi dào, gia đình anh bắt đầu nhân rộng đàn. Từ 10 con heo ban đầu, gia đình anh đã phát triển đàn lên 100 con, trong đó có 20 con nái. Trung bình, mỗi lứa heo thương phẩm nuôi khoảng 8 – 12 tháng là có thể xuất bán với giá 150 nghìn đồng/kg; heo giống nuôi tầm 6 – 8 kg có thể bán với giá 1,5 triệu đồng/con. Việc chăn nuôi thuận lợi giúp gia đình anh đạt lợi nhuận khoảng 250 - 300 triệu đồng/năm.

Mô hình liên kết nuôi heo rừng lai của gia đình anh Nguyễn Văn Phóng (ngoài cùng, bìa trái).

Để tạo đầu ra ổn định, lâu dài cho sản phẩm, giữa năm 2021, anh Phóng đã liên kết cùng 6 hộ nuôi heo nhỏ lẻ trên địa bàn thành lập Hợp tác xã (HTX) Heo rừng Buôn Đôn. Anh Phóng cho biết, cùng với bán heo giống, bao tiêu đầu ra cho người dân trên địa bàn tỉnh, HTX còn mở rộng hợp tác với các bạn hàng ở các tỉnh Đắk Nông, Thái Bình, Thái Nguyên, Nam Định… Sau hơn 2 năm thành lập, HTX đã phát triển tổng đàn lên khoảng 600 con, tạo dựng được thị trường, xây dựng thành công sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và không ngừng mở rộng quy mô. Đây là hướng đi thuận lợi giúp các hộ dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống gia đình.

Khách tham quan gian trưng bày sản phẩm từ ốc và chả ốc của cơ sở Lâm Ngọc Hội (huyện Buôn Đôn).

Hợp tác để đi đường dài đang là hướng lựa chọn của nhiều hộ sản xuất trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Toàn huyện hiện có 31 HTX và 35 tổ hợp tác trên các lĩnh vực như: trồng và chăm sóc cây ca cao; trồng dâu nuôi tằm, trồng chanh dây, ớt đỏ, điều, mít Thái, mì cao sản; sản xuất cà phê bền vững; nuôi heo rừng… Các HTX, tổ hợp tác đã chủ động kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức sản xuất, tiêu thụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Phát triển sản phẩm OCOP

Cùng với liên kết phát triển, những năm gần đây, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện vùng biên đã bắt đầu khẳng định thương hiệu, uy tín bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Các sản phẩm OCOP của cơ sở Tam Gia Phát.
 

So với tiềm năng, lợi thế của địa phương thì số lượng sản phẩm OCOP vẫn còn rất khiêm tốn. Năm 2023, các cơ quan chức năng của huyện tiếp tục đồng hành cùng các chủ thể, phấn đấu có ít nhất từ 5 – 7 sản phẩm OCOP mới, đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên”.

 
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn Trần Thị Thủy

Gia tăng thêm giá trị gạo nếp được trồng tại địa phương, anh Trần Trọng Tài đã kế thừa việc sản xuất rượu nhỏ lẻ của gia đình để lại và phát triển thành hộ sản xuất thương mại thực phẩm Tam Gia Phát (xã Cuôr Knia). Với kiến thức học được tại khoa Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Nha Trang) cùng kinh nghiệm sản xuất mà cha ông truyền lại, anh Tài cùng các cộng sự đã sản xuất ra các sản phẩm rượu nếp an toàn, thơm ngon với thương hiệu Gia Phát, đạt điểm phân hạng OCOP 3 sao cấp huyện.

Để giảm thải khói bụi ra môi trường, cơ sở hướng đến sử dụng hoàn toàn bằng điện trong quá trình đun nấu nhằm thay thế cho củi thông thường. Để bảo đảm an toàn, suốt quá trình chưng cất, cơ sở sử dụng nồi inox 304 chuyên dụng, hiện đại có kiểm soát nhiệt độ, có hệ thống nước làm mát tuần hoàn, sau khi nấu xong, rượu được đem lọc trong và khử độc tố bằng thiết bị chuyên dụng…

Từ nguồn cung ốc nhồi dồi dào tại địa phương, anh Nguyễn Văn Lâm (xã Ea Bar) cùng cộng sự đã phát triển các sản phẩm chả ốc đạt điểm phân hạng OCOP 3 sao cấp huyện. Với hướng đi lâu dài, cơ sở anh đặc biệt quan tâm khâu quảng bá thông qua các trang mạng, các kênh bán hàng online, xây dựng website. Hiện cơ sở đang duy trì mức sản xuất khoảng 1.000 khay chả ốc/tháng. Cơ sở cũng đã liên kết tiêu thụ với 7 cửa hàng, siêu thị, cùng các quán ăn trên địa bàn tỉnh và mở rộng phân phối ở các địa phương trong cả nước như Kon Tum, Đắk Nông, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn, năm 2022, toàn huyện có 6 sản phẩm đạt tiêu chí xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, gồm: Chả ốc cuốn lá lốt, chả ốc cuốn ram, chả ốc nhồi ống tre, rượu cần Bạn Đon, rượu nếp Gia Phát và rượu táo mèo. Đây là những sản phẩm nông thôn tiêu biểu, do người trẻ thực hiện. Các sản phẩm có đủ thủ tục pháp lý như chứng nhận an toàn sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng, hệ thống bao bì, tem nhãn. Hiện nay, các sản phẩm đang tiếp tục hoàn thiện mẫu mã, phát triển thị trường để nâng tầm, vươn xa hơn nữa.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.