Multimedia Đọc Báo in

Tạo sức bật mới cho kinh tế tập thể (Kỳ 3)

08:05, 28/09/2022

Kỳ 3: Khẳng định vị thế trong nền kinh tế hội nhập

Từ việc mạnh dạn đổi mới, khu vực kinh tế hợp tác xã (HTX) từng bước lớn mạnh, trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế hợp tác. Mô hình HTX kiểu mới đang dần xóa bỏ hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để hướng đến mô hình liên kết chuỗi và ngày càng khẳng định vị thế của kinh tế tập thể trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

Trên những “cánh đồng mẫu lớn”

Ông Tạ Quang Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8/4 (xã Buôn Tría, huyện Lắk) dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng 50 ha bằng phẳng, lúa xanh mơn mởn.

Trước đây, cánh đồng này do một nông trường quản lý nhưng làm ăn không hiệu quả, bỏ hoang thời gian dài, người dân dọn dẹp từng đám nhỏ để trồng lúa, nên cánh đồng lốm đốm trông như da báo. Người dân sản xuất mỗi năm một vụ lúa, nhưng nước tưới không ổn định nên năm được năm mất. Ông Thắng cùng một số người cùng quê lúa Thái Bình thấy lãng phí khi đất tốt mà canh tác không hiệu quả nên nghĩ cách khai thác tiềm năng vùng đất này.

Để tiến hành sản xuất theo quy mô hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng lúa, năm 2009, người dân ở đây liên kết lại thành lập HTX do ông Thắng làm Giám đốc. HTX đã đầu tư xây dựng thêm các trạm bơm, điện lưới phục vụ người dân các xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết, huyện Lắk. Hiện nay, đơn vị sản xuất 50 ha lúa thương phẩm tại huyện Lắk và 100 ha lúa giống tại huyện Ea Súp. 1.800 hộ dân địa phương hưởng lợi từ dịch vụ thủy nông, 50 hộ sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Hướng đi sắp tới của HTX là sản xuất lúa hữu cơ theo hướng bền vững. “Năng suất, chất lượng lúa ở đây cao hơn cả ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi sẽ tập trung trồng lúa hữu cơ, sản xuất sạch và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đời sống của bà con ở đây sẽ còn khấm khá hơn nữa”, ông Tạ Quang Thắng tự tin.

Các thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8/4 (xã Buôn Tría, huyện Lắk) kiểm tra sự sinh trưởng của cây trên cánh đồng mẫu trồng lúa hữu cơ.

Là thành viên của HTX, anh Lê Đức Biên (thôn Mê Linh 1, xã Buôn Triết, huyện Lắk) được hưởng lợi từ mô hình kinh tế hợp tác. Trước đây gia đình anh thuộc diện nghèo, làm thuê mấy năm mới mua được ít ruộng để canh tác, nhưng mùa màng bấp bênh. Từ ngày vào HTX, anh được tiếp cận những giống lúa mới và sử dụng dịch vụ thủy nông, điện sản xuất nên chi phí sản xuất giảm, năng suất lúa tăng lên. Đời sống của gia đình anh khá dần lên, có điều kiện mua thêm ruộng, máy làm đất, gặt lúa. Đến nay, gia đình anh có 10 ha lúa, chủ yếu sản xuất giống ST24, mỗi năm thu lãi gần 1 tỷ đồng.

Những đổi thay trên đồng ruộng cũng thấy rất rõ tại HTX Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải (buôn Tung 1, xã Buôn Triết, huyện Lắk). Thành lập năm 2012, ban đầu HTX chỉ có 21 thành viên là những người quen biết tập hợp lại để hỗ trợ nhau trong sản xuất chứ chưa có định hướng rõ ràng. Rào cản lớn nhất là các thành viên cũng như người dân địa phương chưa tin tưởng về mô hình kinh tế hợp tác, việc sản xuất vẫn theo thói quen cũ, manh mún và tự phát. Ban lãnh đạo HTX đã vận động nông dân sản xuất theo phương thức mới, cùng làm cùng hưởng lợi, trong đó, đội ngũ quản lý HTX đứng ra "đứng mũi chịu sào" từ việc hoạch định kế hoạch, quy trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Khi thấy được cái lợi, người dân địa phương tự nguyện vào HTX ngày càng đông, số thành viên chính thức hiện nay là 108. Đơn vị sản xuất 80 ha lúa giống Đài thơm, RVT; liên kết với doanh nghiệp để cung ứng phân bón với giá gốc, đến mùa thu hoạch mới trả tiền; đồng thời, bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá cao hơn thị trường từ 1.000 – 1.500 đồng/kg. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sản xuất 200 ha lúa thương phẩm. Sắp tới, sản xuất 40 ha theo tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư trạm bơm, hệ thống kênh mương để cung ứng dịch vụ thủy nông cho 200 ha lúa tại địa phương.

“Đầu tàu” cho nông nghiệp, nông thôn

Vai trò, hiệu quả của kinh tế tập thể (KTTT), HTX mang lại cho sự phát triển kinh tế – xã hội tại Đắk Lắk sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 và 10 năm thực hiện Luật HTX 2012 đã được kiểm chứng qua thực tế. KTTT, HTX không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn của tỉnh mà còn tạo nên sự thay đổi về “chất” trong sản xuất – kinh doanh của người nông dân ở khu vực này.

Như ông Nguyễn Ngọc Côn, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải chia sẻ, hiệu quả mà HTX mang lại cho người dân cũng như các thành viên không chỉ là về kinh tế với thu nhập khoảng 80 triệu đồng/ha đất lúa và hưởng lợi từ các dịch vụ mà còn là sự thay đổi tư duy làm kinh tế từ kiểu “mạnh ai người nấy làm” đến liên kết sản xuất theo quy mô hàng hóa nhằm giảm rủi ro và nâng cao thu nhập.

Đại diện HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) giới thiệu sản phẩm gạo đặc sản của đơn vị.
 

“Với thực tế và đặc điểm sản xuất manh mún của nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông nghiệp tại Đắk Lắk nói riêng, nếu không có các HTX đứng ra triển khai các khâu từ canh tác đến sản xuất sản phẩm thì người nông dân rất khó có thể hướng đến sản xuất hàng hóa và nền nông nghiệp khó khai thác hết tiềm năng của mình”.

 
Ông Đoàn Công Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I

Là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh, đến nay HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I thực sự là động lực cho sự phát triển của xã Quảng Điền (huyện Krông Ana). Không chỉ phát triển sản xuất – kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của xã viên và người dân liên kết sản xuất, mà với đặc thù sản xuất nông nghiệp ở địa phương, có thể nói HTX đã vận hành hiệu quả cả nền nông nghiệp nơi đây. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I Đoàn Công Bình khẳng định, nông nghiệp ở xã Quảng Điền sẽ rất khó khăn nếu không có HTX hoặc HTX hoạt động không hiệu quả. Bởi với diện tích canh tác lớn, có những cánh đồng cách kênh đầu mối đến 4 km, nếu không có HTX đứng ra điều tiết nước, tổ chức vận hành thủy lợi, chống hạn, chống lũ… thì không thể sản xuất được. Chưa kể, để tham gia sản xuất theo hướng hàng hóa, bên cạnh vai trò “cầu nối” giữa người nông dân với doanh nghiệp, HTX còn phải tổ chức sản xuất trên diện tích lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới… và đến khi thu hoạch cũng phải đồng loạt, tiến độ nhanh.

Xa hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, người nông dân phải có sự thay đổi trong cả quá trình sản xuất của mình. Theo bà Đinh Thị Danh, Giám đốc HTX Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana, để sản phẩm nông nghiệp có được thị trường tiêu thụ lớn, ổn định thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng là một trong những yếu tố tiên quyết. Cụ thể, sản phẩm hiện nay phải có mã vạch, đăng ký truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP... Những yếu tố đó sẽ không thể có được nếu người nông dân làm ăn riêng lẻ, manh mún. Lúc này vai trò của KTTT, HTX sẽ được phát huy từ việc tổ chức sản xuất cho đến kiểm soát quá trình sản xuất và chất lượng.

“Thấm” nhất vai trò của HTX có lẽ là những nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Y Kun Byă, Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp Ea Tliêr (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) chia sẻ, hơn 20 năm qua, việc sản xuất của bà con trong buôn Ea Tliêr hoàn toàn phụ thuộc vào tiểu thương, từ cây con giống, phân bón, vật tư nông nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm. Do đó, dù rất cần cù, nhưng đời sống của bà con nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi được HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp Ea Tliêr, bà con trong buôn đã thoát được cảnh sản phẩm mình làm ra phải chở thẳng từ đồng ruộng vào kho của tiểu thương như trước đây.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển KTTT - HTX tỉnh, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện có khoảng 100 HTX có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Sản phẩm của HTX nông nghiệp ngày càng phong phú, từng bước đáp ứng được yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Hiện có 17 HTX có sản phẩm nằm trong nhóm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh. Qua đó, hình thành được các vùng nguyên liệu nông sản rộng lớn, từng bước xây dựng được thương hiệu hàng hóa đặc thù, thế mạnh tại địa phương và không ít sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra thị trường thế giới.

 (Còn nữa)

Kỳ 4: Còn đó những   "điểm nghẽn"

Cao Minh Giang


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.