Multimedia Đọc Báo in

Nhận diện hạt lúa Buôn Triết

08:42, 28/08/2022

Nếu không bị giới hạn tầm nhìn bởi những rặng núi mờ xa thuộc quần sơn Nam Cư Yang Sin, thì bất kỳ ai đứng giữa cánh đồng xã Buôn Triết (huyện Lắk) đều có cảm giác như đang ở đâu đó giữa đồng bằng miền Tây Nam Bộ, tận hưởng hương lúa phảng phất trong không gian xanh ngắt và ngút ngàn cây lá.

Ở đây tôi đã nhận ra trong bức tranh kia, cây lúa là gam màu chủ đạo, tôn lên vẻ đẹp tươi tắn và thanh bình cho những làng quê mới, được lập nên dọc dài theo dòng sông mẹ Krông Na.

Cũng chính dòng sông này đã mang lại phù sa cho cây lúa Buôn Triết trĩu hạt, nâng đỡ cho bao phận người vượt lên, tự tin bước tới sánh cùng những vùng quê khác. Thế nên, khi ghé thăm nhà ông Lê Văn Thanh (thôn Buôn Tung 1), lão nông này đã cảm khái với tôi rằng, cây lúa đối với người dân ở đây trở nên thân thiết và gắn bó hơn cả, nó bàng bạc và phủ lên đời sống mọi gia đình một thứ tình cảm đặc biệt như thể miếng ăn, giấc ngủ thường ngày. Với gia đình ông Thanh thì cây lúa thấm nỗi nhọc nhằn, gian khổ từ khi đặt chân lên vùng đầm lầy hoang vắng ấy, đôi bàn tay mọi người chai sần vì cuốc cày bao năm để bây giờ có 4 - 5 ha ruộng đồng trù mật để phát triển kinh tế lâu dài. Trải gần 40 năm, kể từ khi cây lúa có mặt ở Buôn Triết, gắn bó với hàng nghìn nông hộ trong vùng, rồi dần trở thành ngành hàng quan trọng và chủ lực đưa đời sống người dân đến no ấm, sung túc là chặng đường khó quên trong tâm tưởng mọi người. Cứ thế, câu chuyện về cây lúa ở miền quê này được nhiều người kể lại cho tôi hay như phận đời của họ - lúc ngặt nghèo, chìm nổi lẫn khi rạng rỡ, sum vầy…

Cơ giới hóa trên cánh đồng Buôn Triết.

Cũng giàu cảm khái như ông Thanh, anh Nguyễn Văn Tình (thôn Đoàn Kết 1) gắn bó với cây lúa muộn hơn do hoàn cảnh gia đình đưa đẩy. Anh tâm tình, từ Thái Bình vào đây làm thuê từ những năm 90 về trước, nhờ chăm chỉ làm ăn và cóp nhặt, tích lũy từng đồng để mua ruộng, đến nay gia đình đã có gần 3 ha lúa nước, mỗi năm nếu mưa thuận gió hòa cũng thu về hơn 150 triệu đồng. Gần 10 năm qua, anh hàm ơn cây lúa và mong rằng hạt lúa Buôn Triết ngày càng có giá trị hơn trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngành hàng chủ lực này. Ước mơ ấy đang trở thành hiện thực bằng sự nỗ lực của bản thân và cộng đồng làm lúa trên vùng quê mới, khi anh nông dân trẻ ấy cùng nhiều người khác chủ động và tâm huyết tham gia Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ - Nông nghiệp Cánh đồng 8/4.

 

Năm 2020, Huyện ủy Lắk ban hành Nghị quyết chuyên đề số 09-NQ/HU về định hướng xây dựng thương hiệu lúa gạo huyện Lắk. Nghị quyết yêu cầu đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho mọi cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng thương hiệu lúa gạo phù hợp với thực tế đặt ra - (Báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Lắk)

Theo anh Tình, để sống no đủ với hạt lúa Buôn Triết thì không thể không hướng đến việc phát triển, mở rộng các dịch vụ nông nghiệp song hành thông qua mô hình HTX. Chỉ có mô hình này mới giải quyết được những vấn đề đặt ra cho cây lúa ở đây - là bơm tưới, vật tư, phân bón, cây giống, lưới điện, máy móc cơ giới, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Quả đúng như vậy, qua tiếp xúc với anh Trịnh Duy Thành (thôn Đoàn Kết 1), chị Dương Thị Biên (thôn Kiến Xương), tôi nhận ra rằng những nông dân trẻ ấy đã có tầm nhìn, tư duy mới phù hợp với xu thế phát triển nền nông nghiệp hiện nay nhằm đưa ngành hàng lúa gạo Buôn Triết, cũng như cả huyện Lắk đi xa hơn trên con đường khẳng định vị thế và thương hiệu, chứ không còn dừng lại ở mục tiêu giải quyết vấn đề an ninh lương thực đặt ra trong những thập niên trước.

Tư duy và tầm nhìn trên hiện đang được các HTX dịch vụ - nông nghiệp nỗ lực thực hiện với sự đồng thuận của cộng đồng làm lúa ở Buôn Triết cũng như những vùng lân cận như Buôn Tría, Đắk Nuê, Đắk Liêng… Qua chia sẻ của Chủ nhiệm HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Cánh đồng 8/4 Tạ Quang Thắng, tôi hình dung hạt lúa Buôn Triết, từ cung cách đầu tư sản xuất, quản trị, vận hành và phẩm cấp đã được nâng lên một tầm mức mới. Trước hết là nước tưới, cơ bản đã được giải quyết với hàng chục trạm bơm bằng điện dọc sông Krông Na do HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Cánh đồng 8/4 và Thái Hải đảm nhận. Thứ đến phân bón, cây giống và vật tư cũng được chọn lựa và đưa đến cho từng nông hộ khi có nhu cầu với giá cả, chất lượng cạnh tranh nhất. Cuối cùng là khâu chế biến, tiêu thụ lúa thì bên cạnh việc bao tiêu đầu ra cho người sản xuất do hai đơn vị trên thực hiện, còn có HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Đồng Nhất tham gia chế biến gạo sạch có uy tín, cung cấp ra thị trường nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Cánh đồng 8/4 thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ.

Rõ ràng bức tranh nông nghiệp mà trong đó cây lúa là gam màu chủ đạo ở Buôn Triết đã sáng rõ và tươi hơn trong nhận thức, suy nghĩ của mọi người. Ông Thắng cũng như nhiều nông hộ khác chia sẻ: Hạt lúa ở đây đã và đang hướng đến tiêu chí, phẩm cấp xanh, sạch dựa trên phương pháp sản xuất hữu cơ. Trên diện tích lúa toàn vùng khoảng 2.200 ha, đến nay đã có gần một nửa được thâm canh, sản xuất theo hướng này - và đó là con đường mở ra cho người tiêu dùng khắp nơi nhận mặt hạt lúa Buôn Triết.

  Đình Đối


Ý kiến bạn đọc