Multimedia Đọc Báo in

Vựa lúa Buôn Triết và hành trình 40 năm

05:03, 28/04/2015

Gần 40 năm trước, những vùng đất Buôn Trấp, Buôn Triết còn đang “ngủ yên” vì hoang hóa, sình lầy, lau sậy mọc um tùm. Nhờ ý chí, công sức, mồ hôi của biết bao người đổ xuống đây, mà vùng đất này đã trở thành vựa lúa lớn của Tây Nguyên, đem đến cuộc sống ấm no, khấm khá cho hàng vạn người dân.

Từ đầm lầy hoang vu...

Sau ngày giải phóng, Dak Lak cũng như các địa phương khác bị kiệt quệ vì chiến tranh tàn phá, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí, cơm ăn không đủ, phải độn thêm ngô, khoai, sắn, bo bo… Trước thực trạng này, Đảng bộ, chính quyền tỉnh ngày đêm trăn trở, bàn bạc tìm giải pháp chống chọi với cái đói trước mắt. Tỉnh ủy hồi đó do đồng chí Trần Kiên làm Bí thư đã phát động phong trào khai hoang xây dựng cánh đồng Buôn Triết, Buôn Trấp nhằm giải quyết lương thực, định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng thời đưa người dân từ các địa phương khác lên đây xây dựng kinh tế mới. Là vùng đất rộng, bằng phẳng, phì nhiêu, lại thuận lợi về nguồn nước, nên Buôn Triết là một trong những nơi được chọn khai hoang xây dựng cánh đồng. Đây là vùng đầm lầy bên sông Krông Ana, rộng hơn 10.000 ha, lúc bấy giờ còn rất hoang vu, bạt ngàn lau sậy. Đầu năm 1978, quân, dân huyện Lak, thị xã Buôn Ma Thuột và một số địa phương lân cận cùng cán bộ công nhân viên các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh được huy động về khai hoang vùng đất này. Bác Nguyễn An Vinh, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, khi đó đang là Chủ tịch UBND thị xã Buôn Ma Thuột giở từng bức ảnh chụp về những ngày đầu đi mở đất gian khổ ở Buôn Triết nhớ lại: “Hồi đó, toàn dân toàn quân dốc sức cho việc khai hoang đất Buôn Triết, từ cán bộ, đảng viên đến nhân dân đều hăng say lao động. Tôi cũng xuống Buôn Triết “ăn nằm” cùng bao nhiêu người khác ròng rã mấy tháng trời, khung cảnh nơi đây giống như đại công trường, lúc đông nhất lên đến hàng vạn người, ai cũng hừng hực khí thế quyết tâm vượt mọi gian khó; một số cơ quan phải chuyển xuống làm việc tại đây để vừa chỉ đạo công việc chung của tỉnh vừa quản lý công trường”. Những người đi khai hoang mở đất phải chặt tre nứa làm lán trại, ăn uống, sinh hoạt kham khổ, công việc nặng nhọc, cộng thêm muỗi, vắt bu bám dày đặc, nên tình trạng ốm đau, sốt rét xảy ra thường xuyên. Không có phương tiện cơ giới, người ta phải dùng dao, rựa, cuốc xẻng để phát dọn, đốt cây cỏ rồi chia đất ra thành từng ô, diện tích 500 – 1000 m2 và đắp bờ thành ruộng. Có thời điểm khai hoang, làm thủy lợi đã tập trung một lực lượng lớn lên đến 3.000 đoàn viên, thanh niên các cơ quan, trường học, xã, phường trong tỉnh. Để đắp đập, lực lượng thanh niên được bố trí thành hàng dài và chuyền tay nhau từng khối đất đắp đập lên cao rồi dùng đầm gỗ tự làm hoặc mượn voi của  bà con xung quanh dậm cho đập chắc chắn. Ngày vất vả phát dọn, đắp bờ, đêm về phải thay nhau thức để đuổi chim trời, chuột đồng về cắn phá cây trồng, có người quần áo giặt không kịp khô, nên phải mượn của nhau để mặc. Tuy gian khổ, vất vả không kể xiết, nhưng trên công trường Buôn Triết lúc nào cũng sôi động, trên gương mặt ai nấy cũng đều phơi phới niềm vui đất nước bình yên vừa trải qua khói lửa chiến tranh và đang trên bước đường xây dựng trong không khí hòa bình…

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn An Vinh (người đội mũ cối) và đại diện các sở, ngành kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cánh đồng  Buôn Triết năm 1987 (chụp lại từ ảnh tư liệu do ông Nguyễn An Vinh cung cấp).
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn An Vinh (người đội mũ cối) và đại diện các sở, ngành kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cánh đồng Buôn Triết năm 1987 (chụp lại từ ảnh tư liệu do ông Nguyễn An Vinh cung cấp).

Sau khai hoang, 2.000 ha đất trồng lúa được giao cho Nông trường 8 - 4 tiếp quản, sau đó, giao lại cho địa phương quản lý, sản xuất. Ngày 26 – 3 – 1987, Tổng đội Thanh niên xung phong của Tỉnh Đoàn Dak Lak do Bí thư Tỉnh Đoàn Dương Thanh Tương làm Tổng đội trưởng được thành lập,  với nhiệm vụ tiếp tục khai hoang, mở rộng cánh đồng, phối hợp với các lực lượng khác khai hoang 3.000 ha, cùng người dân khai khẩn đã mở rộng cánh đồng Buôn Triết, nối liền từ các xã Buôn Triết, Buôn Tría của huyện Lak sang huyện Krông Ana, Quảng Phú, Đức Xuyên (huyện Krông Nô – tỉnh Dak Nông hiện nay) tạo nên vựa lúa “thẳng cánh cò bay” và được xem là “Đồng Tháp Mười trên cao nguyên” như ngày nay…

Đến vựa lúa lớn Tây Nguyên

Cánh đồng Buôn Triết mùa này đang vào vụ gặt, lúa vàng trải dài tít tắp dọc hai bên con đường từ thị trấn Liên Sơn vào các xã Buôn Triết, Buôn Tría, mọi khoảng trống đều được tận dụng làm sân phơi, niềm vui được mùa bao trùm khắp nơi. Ngang qua xã Buôn Tría, sẽ gặp cánh đồng 8-4 rộng bao la của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8-4. Tại đây, ngày 8 – 4 – 1978, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến thăm hỏi, động viên và trực tiếp cuốc đất đắp bờ cùng mọi người, nên được trân trọng đặt tên là cánh đồng 8-4 để ghi nhớ sự kiện ấy.

Đất lành chim đậu, nhận thấy tiềm năng của vùng Buôn Triết, nhiều người dân từ các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Quảng Nam vào đây trồng lúa. Ông Hồ Văn Anh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lak cho biết, trên cánh đồng Buôn Triết mỗi năm thu được hàng chục ngàn tấn lúa, tập trung nhiều nhất ở các xã Buôn Triết, Buôn Tría và Dak Liêng. Nhờ thu nhập từ cây lúa 2 vụ, đời sống người dân 3 xã này khá hơn mặt bằng chung toàn huyện, trong đó xuất hiện nhiều tỷ phú lúa như ông Lã Như Kỹ (xã Buôn Tría), Lê Văn Mười, Nguyễn Đức Lợi (xã Buôn Triết)…

Nông dân xã Buôn Tría, huyện Lak đang thu hoạch lúa đông xuân 2014 - 2015.
Nông dân xã Buôn Tría, huyện Lak đang thu hoạch lúa đông xuân 2014 - 2015.

Ông Lã Như Kỹ, thôn Sơn Cường, xã Buôn Tría được người trồng lúa các huyện Lak, Krông Ana biết đến như một “vua lúa” của vùng. Đầu năm 1978, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước ông cùng hàng chục hộ dân rời mảnh đất quê hương (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đi kinh tế mới đến xã Giang Bung (nay là xã Buôn Tría), huyện Lak, và mang theo vào đây những kinh nghiệm quý báu của nghề trồng lúa nước. Những ngày đầu trên quê hương mới khí hậu, nguồn nước khác biệt, lương thực thiếu thốn, nên cuộc sống đầy rẫy khó khăn. Khi đã làm quen với điều kiện tự nhiên vùng này, ông bắt đầu khai hoang những đám ruộng nhỏ để trồng lúa kiếm cái ăn. Năm 1994, ông cùng một số hộ dân khác góp vốn mua máy cày để khai khẩn đất bỏ hoang… Vụ đầu tiên thất bại vì lúa bị sâu bệnh và chim trời cắn phá, nhưng ông vẫn kiên trì mở rộng diện tích và bắt đầu thành công khi vụ lúa năm 1995 được mùa to. Đến nay, ông có khoảng 30 ha đất lúa, mỗi năm thu hoạch hơn 300 tấn, hạt lúa đã cho gia đình ông thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, ông còn là Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8-4 (xã Buôn Tría) với hơn 100 xã viên, thu nhập có hộ lên đến cả tỷ đồng/năm. Hợp tác xã này còn có điều kiện đầu tư xây dựng 7 trạm bơm, hơn 11 km kênh mương, phục vụ nước tưới cho 700 ha lúa nước thuộc 3 xã Buôn Tría, Buôn Triết và Dak Liêng.

Còn ông Trần Văn Linh ở thôn Đoàn Kết 2 – xã Buôn Triết (cũng quê Đông Hưng – Tỉnh Thái Bình) vào khai hoang vùng đất này gần 40 năm trước, hiện sở hữu hơn 3 ha lúa hai vụ, thu hoạch vài chục tấn mỗi năm. Năm 2013, ông chuyển giao lại toàn bộ diện tích này cho con trai là Trần Văn Trúc tiếp tục trồng lúa, đào ao thả cá và nuôi vịt, mỗi năm thu nhập gần 1 tỷ đồng. Được biết, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã trồng thử nghiệm 18 giống lúa mới ở vùng Buôn Triết, cho năng suất cao hơn so với các giống lúa truyền thống. “Thời gian tới, huyện sẽ khuyến khích người dân mở rộng diện tích các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời, xúc tiến xây dựng thương hiệu cho gạo trên cánh đồng Buôn Triết lịch sử để nâng cao chất lượng, giá trị gạo Lak, tăng thu nhập cho người trồng lúa”, ông Hồ Văn Anh nhấn mạnh.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.