Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Ea M’đoal giúp nhau phát triển kinh tế

07:49, 04/07/2022

Xã Ea M’đoal (huyện M’Drắk) hiện có trên 1.100 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 492 hội viên hội phụ nữ tham gia sinh hoạt tại 10 chi hội. Thời gian qua, Hội LHPN xã Ea M’đoal đã triển khai nhiều hoạt động huy động vốn, các mô hình hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Tại thôn 10 có trên 95% hội viên phụ nữ làm nông, đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2002, Chi hội Phụ nữ thôn 10 đã thành lập 1 tổ đổi công. Ban đầu chị em trong tổ đơn thuần là đổi ngày công cho nhau trong thời gian mùa vụ để giảm chi phí sản xuất. Trong quá trình lao động, một số chị em linh hoạt nhận thêm công việc ngoài rồi chia nhau làm công để xây dựng quỹ hùn vốn. Mỗi năm quỹ huy động được trên 30 triệu đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế.

Chị em tổ dịch vụ có thu thôn 10, xã Ea M'Đoal vận chuyển cây thảo dược.

Đến năm 2019, nắm bắt nhu cầu sử dụng sản phẩm từ các loại cây dược liệu trên thị trường ngày càng tăng cao và để khai thác tiềm năng đất đai ở địa phương, Chi hội thành lập thêm “Tổ dịch vụ có thu”, chuyên khai thác và chế biến cây dược liệu thô ban đầu. Tổ có 7 thành viên tham gia; 1 - 2 ngày mỗi tuần các thành viên sẽ cùng nhau lên rừng chặt các loại cây thảo dược. Mỗi ngày nhóm thu hoạch từ 40 - 80 kg cây dược liệu tươi rồi mang về chặt nhỏ, phơi khô đóng bịch để bán. Tùy từng loại cây như: An xoa, lạc tiên, cà gai leo, chè vằng, lá mướp đắng rừng… sau khi phơi khô sẽ có giá từ 50.000 - 200.000 đồng/kg. Hiện tại, sản phẩm của các chị đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài huyện; sau khi trừ chi phí, mỗi năm tổ thu về trên 80 triệu đồng.

Còn tại thôn 1, Chi hội Phụ nữ thôn đã xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ hùn vốn kinh doanh” từ nhiều năm nay với 10 thành viên tham gia. Ban đầu mỗi chị góp vốn vài trăm nghìn đồng/tháng để hỗ trợ những chị em có hoàn cảnh khó khăn giải quyết công việc gia đình. Hoạt động hiệu quả, đến nay các thành viên trong tổ nhất trí nâng lên 2 triệu đồng/tháng/chị. Mỗi kỳ góp vốn, tập thể đều xem xét và ưu tiên cho những chị khó khăn nhận vốn trước, nguồn vốn này chủ yếu sử dụng đầu tư sản xuất, kinh doanh, mua cây, con giống. Ngoài nguồn đóng góp theo quy định của tổ, mỗi kỳ các thành viên sẽ tự nguyện đóng góp làm quỹ tổ 100.000 đồng/chị. Nguồn quỹ này sẽ chi cho các hoạt động thăm hỏi hội viên khi ốm đau; hoạt động tham quan, du lịch… “Hùn vốn xoay vòng là mô hình không mới, nhưng hiệu quả đem lại rất thiết thực. Mặc dù số tiền góp vốn không lớn, nhưng đã giải quyết nhiều khó khăn cho gia đình hội viên phụ nữ trong thôn, hạn chế được tình trạng chị em phải đi vay mượn bên ngoài với lãi suất cao mà rủi ro lớn”, chị Trần Thị Hoài, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 1 chia sẻ.

Hội viên phụ nữ xã Ea M'đoal trồng rừng gây quỹ hội.

Chị Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea M’đoal cho biết: Thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hằng năm Hội LHPN xã đã chỉ đạo các chi hội xây dựng và duy trì 10 mô hình "Hũ gạo tiết kiệm", 11 mô hình "Nuôi heo đất" kết hợp phong trào thi đua yêu nước, qua đó huy động được 500 kg gạo và trên 60 triệu đồng hỗ trợ cho 30 lượt hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, Hội LHPN xã đã xây dựng được 8 tổ tín dụng tiết kiệm, tổ hùn vốn, hùn vàng và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thu hút trên 100 lượt hội viên tham gia, với số tiền huy động trên 200 triệu đồng/năm giúp cho 20 lượt hộ nghèo vay vốn. Hội LHPN xã cũng đã phát huy tốt nguồn vốn ủy thác, qua đó hỗ trợ cho hàng chục hội viên vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 7,9 tỷ đồng... Nhờ những cách làm trên, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội LHPN xã đã giúp 6 gia đình do hội viên phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững. Nhiều hội viên đã trở thành những điển hình trong phát triển kinh tế.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.