Multimedia Đọc Báo in

Xã Dray Sáp nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

08:12, 16/05/2022

Ngay sau khi được công nhận xã nông thôn mới vào đầu năm 2021, xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) đã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí với đích đến là nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Để xây dựng nông thôn mới nâng cao, cấp ủy, chính quyền xã Dray Sáp đã xây dựng kế hoạch để chỉ đạo tổ chức thực hiện với những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực cùng chung tay tham gia đóng góp công sức để hoàn thiện các tiêu chí về giao thông, môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở…

Bên cạnh đó, xã còn tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các dự án phát triển sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập và tập trung dồn lực để thực hiện đạt các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí khó đạt.

Từ sự hỗ trợ của địa phương, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho giá trị cao.

Tuyến đường trung tâm xã Dray Sáp.

Được địa phương hỗ trợ học nghề, rồi được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng để làm mô hình nấm, đến nay anh Lê Văn Biên (buôn Kuôp) đang sở hữu trang trại với tổng diện tích hơn 400 m2 trồng các loại nấm sò, bào ngư, rơm, mèo. Không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình từ 30 - 40 triệu đồng/tháng, hiện cơ sở sản xuất của anh còn tạo việc làm cho từ 7 - 12 lao động địa phương.

 

Nhờ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có; đồng thời đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, sau một năm đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân trên địa bàn xã Dray Sáp đã đạt 44,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%.

“Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, tôi đã vận động bà con trong buôn cùng trồng nấm; đồng thời tham mưu thành lập Tổ hợp tác trồng nấm buôn Kuôp để kết nối, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Nghề trồng nấm vừa tận dụng được diện tích sẵn có của vườn nhà và nhân lực trong gia đình cũng như thời gian nhàn rỗi trong ngày mà vốn đầu tư không lớn. Hơn nữa, từ trẻ đến già đều có thể tham gia được, miễn là phải hết sức kiên trì, thực hiện đúng các quy trình từ khâu chọn nguyên liệu, xử lý, chăm sóc, thu hái. Hiện tổ hợp tác có 7 thành viên, mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 3 tấn nấm các loại, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình”, anh Lê Văn Biên chia sẻ.

Được chính quyền xã hỗ trợ xây dựng mô hình điểm trồng cây tầm vông, sau 4 năm chăm sóc, ông Y Piơn Mlô (buôn Tuôr B) hiện đang rất phấn khởi khi 8 sào tầm vông sắp cho thu hoạch vụ đầu, lại được xã bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

Ông Hòa Quang Trịnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: “Đất ở khu vực buôn Tuôr B đa phần là đất xấu, bạc màu, người dân chủ yếu trồng điều nhưng năng suất không cao. Sau khi khảo sát, chúng tôi nhận thấy tầm vông là loại cây có tiềm năng kinh tế cao lại có thể trồng trên đất xấu không phù hợp với các loại cây công nghiệp nên đã xây dựng thí điểm mô hình tại địa phương; đồng thời đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ khoa học kỹ thuật. Hiện nay, với giá thị trường từ 8.000 - 10.000 đồng/cây thì mô hình trồng tầm vông có thể tạo nguồn thu nhập khá cho nông dân địa phương. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình để có hướng phát triển”.

Lãnh đạo xã Dray Sáp tham quan mô hình sản xuất của Tổ hợp tác trồng nấm Buôn Kuôp.

"Ngoài sử dụng trong xây dựng, làm đồ thủ công mỹ nghệ, tầm vông còn là cây cảnh quan khá được ưa chuộng. Địa phương lại có tiềm năng du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên, trong đó điểm nhấn là cụm thác Gia Long - Dray Nur. Nếu mô hình thực sự phát huy hiệu quả, xã sẽ hỗ trợ người dân nhân rộng để tạo điểm nhấn cho cảnh quan, đẩy mạnh du lịch cộng đồng, thu hút du khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực đóng góp một phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương", ông Hòa Quang Trịnh cho biết thêm.

Để phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao, rất cần sự năng động, tư duy đột phá của cấp ủy, chính quyền địa phương với những cách làm sáng tạo; tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân. Từ đó, khơi dậy sức mạnh từ khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy được vai trò chủ thể của người dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.