Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho cơ sở công nghiệp nông thôn

08:18, 27/12/2021

Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong năm 2021, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) thực hiện 16 đề án khuyến công, với tổng kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng. Nội dung trọng tâm của hoạt động khuyến công là hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Cụ thể, đã chuyển giao 12 đề án cho các đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí gần 5,2 tỷ đồng, trong đó khuyến công địa phương hỗ trợ 1,7 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các cơ sở. Các đề án tập trung vào những ngành nghề có tiềm năng, lợi thế tại địa phương như: sản xuất cà phê bột, chế biến trái cây sấy, nấm, ca cao, cơ khí..., kinh phí từ 280 – 650 triệu đồng/đề án.

Hệ thống máy sấy lạnh của Hợp tác xã Nấm Linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana được hỗ trợ từ chương trình khuyến công địa phương.

Trồng nấm là một trong những ngành nghề có thế mạnh của huyện Krông Ana, với khoảng 200 hộ sản xuất, mỗi năm cung ứng ra thị trường sản lượng hàng trăm tấn nấm các loại. Tuy nhiên, đa phần sản phẩm chủ yếu bán tươi, sản lượng qua chế biến còn ít, chất lượng chưa cao. Hợp tác xã Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana là đơn vị đứng ra kết nối các hộ trên địa bàn huyện, thu mua nấm cho người dân đưa đi tiêu thụ. Tuy nhiên, do năng lực tài chính thấp nên việc đầu tư máy móc cho sản xuất còn hạn chế. Năm 2021, đơn vị được thụ hưởng đề án khuyến công Ứng dụng thiết bị sấy lạnh phục vụ chế biến sản phẩm nấm, công suất 50 – 100 kg/mẻ, kinh phí 300 triệu đồng. Từ khi có máy sấy lạnh thì các mẻ nấm có chất lượng cao, giữ được hương vị, màu sắc, chất dinh dưỡng trong sản phẩm, nên khách hàng rất hài lòng.

 

“Ngành khuyến công sẽ tập trung xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm có tính liên kết, tác động lan tỏa ở các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao".

Phó Giám đốc Sở Công thương Vũ Đình Trưng

“Nếu không có hỗ trợ của vốn khuyến công thì hợp tác xã rất khó để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại. Đề án đã giúp đơn vị có nền tảng tốt để phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới”, bà Đinh Thị Danh, Giám đốc Hợp tác xã Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana khẳng định.

Công ty TNHH TM Hòa Phát (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) cũng được hưởng lợi từ chương trình khuyến công với đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong gia công tôn, tổng kinh phí 650 triệu đồng. Sau khi đưa vào vận hành, hệ thống máy móc, thiết bị hoạt động hiệu quả, giúp doanh nghiệp cải thiện công suất, chất lượng sản phẩm, qua đó gia tăng giá trị kinh tế sản phẩm và lợi nhuận cho công ty, góp phần phát triển sản xuất CNNT tại địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Vũ Đình Trưng, có những đề án, mô hình khuyến công mới mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, là mô hình mẫu, có tác động nhân rộng cho các đơn vị khác. Cái lợi rõ ràng nhất của chương trình khuyến công là tạo động lực, khuyến khích, động viên các đơn vị CNNT đầu tư, ứng dụng đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ sở CNNT về vai trò của hoạt động khuyến công được nâng cao, qua đó đã chủ động tìm đến với khuyến công.

Cán bộ ngành khuyến công kiểm tra đề án khuyến công tại huyện Ea Súp.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, do địa phương chưa hình thành được mạng lưới cộng tác viên khuyến công nên việc nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các đề án còn khó khăn. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều cơ sở dừng hoạt động, giảm quy mô sản xuất hoặc thay đổi mục tiêu đầu tư máy móc thiết bị không đúng đề án phê duyệt nên phải dừng thực hiện đề án hỗ trợ. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động khuyến công chủ yếu là ngân sách nhà nước và đối ứng của các đơn vị thụ hưởng mà chưa huy động được các nguồn lực khác tham gia hoạt động khuyến công, nên số lượng và mức hỗ trợ cho các đề án còn thấp.

Thời gian tới, ngành khuyến công sẽ phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố để hướng dẫn, tạo điều kiện cho các đơn vị thụ hưởng trong quá trình lập và triển khai thực hiện đề án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện để đề án bảo đảm mục tiêu, hiệu quả; phối hợp, lồng ghép các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khai thác, tìm kiếm, phối hợp các tổ chức, cá nhân để huy động thêm nguồn lực cho khuyến công.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.