Multimedia Đọc Báo in

Bài học “bỏ trứng vào một giỏ

11:55, 26/12/2021

Hàng nghìn container nông sản đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn do không thể xuất sang Trung Quốc lại một lần nữa mang đến bài học vì cách làm theo kiểu “bỏ trứng vào một giỏ” trong kinh doanh, xuất khẩu nông sản để rồi phải chịu thiệt hại.

Các loại nông sản đang bị mắc kẹt chủ yếu là dưa hấu, thanh long, chuối, mít, xoài… của các doanh nghiệp, thương lái ở các tỉnh phía Nam, trong đó có Đắk Lắk. Hàng hóa bị tồn đọng do nước bạn tạm dừng thông quan. Đây chủ yếu là những sản phẩm xuất qua đường tiểu ngạch và một phần xuất chính ngạch nhưng không thể xuất đi vì đối tác tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại cửa khẩu.

Hơn 4.700 xe đang ùn ứ trên các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh: AH
Hơn 4.700 xe đang ùn ứ trên các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh: AH

Những năm gần đây, nông sản đã xuất khẩu đi nhiều nước, nhưng một số sản phẩm vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Có thực trạng trên là bởi thị trường này có sức tiêu thụ rất lớn, lại dễ tính, nên sản phẩm của Việt Nam dễ thâm nhập. Sự lệ thuộc quá lớn vào một thị trường đã khiến chúng ta luôn nằm trong thế bị động. Chính vì vậy, khi xảy ra sự cố, rủi ro thì doanh nghiệp, nhà xuất khẩu lại lâm vào cảnh lao đao, hàng hóa bị hư hỏng, giảm chất lượng dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp, thương lái và một phần nữa là nông dân.

Căn nguyên của vấn đề ở đây là do nhiều loại hàng hóa sản xuất không theo kế hoạch gắn với thị trường xuất khẩu toàn cầu, thiếu bạn hàng tin cậy, lâu dài, khả năng chế biến còn hạn chế và không có cơ chế bảo đảm chất lượng nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính. Do đó, hàng hóa khi xuất khẩu thường phải nằm ở thế “cửa dưới” và “nắm dao đằng lưỡi”. Nếu hàng hóa chất lượng cao, sản xuất có kế hoạch theo đơn đặt hàng, hệ thống bảo quản, chế biến tốt thì trên thương trường, nông sản Việt Nam có thể làm chủ cuộc chơi.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao doanh nghiệp, nhà xuất khẩu không “bỏ trứng vào nhiều giỏ”? Thực tế thì, bên cạnh Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản đã chia “trứng” ra những “giỏ” khác là Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu… Để làm được điều này thì doanh nghiệp phải có tiềm lực mạnh, sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao, ký kết được những đơn hàng xuất khẩu lâu dài và có hệ thống kho lạnh. Thế nhưng với nhiều doanh nghiệp, vấn đề này là điều gần như quá sức.

Vậy giải pháp nào cho bài toán xuất khẩu nông sản để không lệ thuộc quá lớn vào một thị trường? Điều này đòi hỏi phải có những chính sách tổng thể, đồng bộ với sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương và cả doanh nghiệp, người nông dân. Theo đó, Nhà nước phải có chương trình, giải pháp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản từ sớm để đưa ra được định hướng, khuyến cáo cho người nông dân, doanh nghiệp, để họ có sự chủ động, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt nhưng sản phẩm không biết bán cho ai. Bên cạnh đó, Nhà nước, nhà xuất khẩu cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường mới tiềm năng để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Về phía các doanh nghiệp, cần có những hợp đồng với điều khoản rõ ràng, minh bạch để tránh rủi ro, chèn ép dẫn đến thiệt hại. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, cần xúc tiến việc xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, mua bán theo hợp đồng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Tại một hội thảo về kết nối, xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, muốn xuất khẩu nông sản thành công thì phải đi từ “đầu ra” để giải quyết “đầu vào”. Theo đó, trước hết phải nắm rõ thị trường thế giới cần hàng gì, sản lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, tiêu chuẩn ra sao để có kế hoạch phù hợp.

Minh Thông

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.