Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo bài giảng điện tử của thầy giáo vùng sâu

08:05, 12/09/2022

Bài giảng điện tử môn tiếng Anh lớp 6 sách Friend plus “Unit 3: Wild life – Lesson 1: Vocabulary” của thầy Nguyễn Khánh Trình, giáo viên Trường THCS Cư Pui (huyện Krông Bông) đã đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử 2021 do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đây cũng là bài giảng duy nhất của giáo viên tỉnh Đắk Lắk đạt giải tại cuộc thi.

Bài giảng điện tử “Unit 3: Wild life – Lesson 1: Vocabulary” được thầy Nguyễn Khánh Trình thực hiện trong khuôn khổ năm học 2021 - 2022 (tháng 10/2021) bằng các phần mềm hỗ trợ thiết kế bài giảng điện tử thông dụng như: Ispring suite 10, Microsoft PowerPoint, Capcut video edit... Thông qua các kỹ thuật thiết kế bài giảng trực tuyến sinh động, bài giảng giúp học sinh nắm bắt các yêu cầu về kiến thức của bài học, hình thành năng lực sử dụng ngôn ngữ đồng thời tăng sự hiểu biết về động vật; khơi gợi cho học sinh về sự tìm hiểu, khám phá, yêu thương và có ý thức bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ thiên nhiên.

Thầy Nguyễn Khánh Trình soạn giáo án trước khi đến trường.

Đối với bài giảng này, học sinh có thể tự học mà không cần sự có mặt của giáo viên bằng cách truy cập vào đường link Unit 3 Wild life - Lesson 1: Vocabulary (igiaoduc.vn) của bài giảng và tương tác thông qua các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính... Bài giảng bảo đảm yêu cầu bài học là: giúp học sinh nhận diện được một số loại động vật bằng hình ảnh, tiếng kêu, tên tiếng Anh; sử dụng thông dụng 3 động từ thường dùng (To Communicate - giao tiếp, to Jump - bật nhảy, to survive - sống sót); học những câu đơn giản về động vật... Đặc biệt, bài giảng còn sử dụng các clip ngắn về động vật hoang dã; phần từ mới về các loại động vật có nút âm thanh để học sinh click vào nghe lại tên tiếng Anh các động vật để học cách phát âm chuẩn…

Thầy Nguyễn Khánh Trình chia sẻ, thời điểm tham gia cuộc thi, dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp; học sinh thường xuyên phải thay đổi hình thức học trực tiếp và gián tiếp. Nhất là việc học gián tiếp phải thực hiện song song 2 phương án là: trực tuyến đối với học sinh có thiết bị; giao bài đối với học sinh ở xa, không có thiết bị học tập hay vùng không có sóng điện thoại hoặc mạng yếu nên giáo viên và học sinh đều rất vất vả. Công việc của giáo viên tăng lên gấp bội so với khi dịch chưa bùng phát. Do đó, việc thiết kế bài giảng cũng được thực hiện chắp nối, nhiều đêm mới hoàn thành để dự thi.

Thầy Nguyễn Khánh Trình trao đổi với học sinh sau giờ học.

"Ngay khi nhận được kết quả cuộc thi, tôi rất bất ngờ và vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Đây sẽ là động lực để tôi thêm gắn bó với môn học, với học sinh vùng sâu Cư Pui và cố gắng vượt khó hoàn thành sứ mệnh của “người đưa đò”", thầy Nguyễn Khánh Trình tâm sự.

Trường THCS Cư Pui đóng chân tại xã vùng 3 Cư Pui. Năm học 2022 - 2023 trường có 29 lớp với 1.170 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 91%; học sinh là con em hộ nghèo, cận nghèo chiếm 80%.

Ông Phan Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui cho biết, thầy Nguyễn Khánh Trình là một trong những giáo viên tích cực, sôi nổi, nhiệt huyết của trường và đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Hằng năm, trường tổ chức các cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cấp trường, có đoàn tham gia cấp huyện và đạt nhiều giải thưởng ở các cấp nhưng đây là lần đầu tiên trường có giáo viên có bài giảng đạt giải cấp quốc gia. Đây là vinh dự lớn của trường trong năm học mới, là sự ghi nhận những nỗ lực của các cá nhân cũng như toàn thể thầy và trò tại các trường vùng sâu, vùng xa như Trường THCS Cư Pui của huyện Krông Bông.

Được biết, thầy Nguyễn Khánh Trình còn làm Bí thư Chi đoàn Trường THCS Cư Pui; là một trong những tấm tương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của huyện Krông Bông năm 2018; đạt giải Nhì Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh năm học 2020 – 2021; giải Nhất Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử huyện Krông Bông năm học 2021 – 2022.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.