Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Đắk Lắk sẵn sàng đón khách du Xuân

15:30, 21/01/2023

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 kéo dài 7 ngày hứa hẹn là đợt cao điểm của ngành du lịch khi nhiều người lựa chọn để nghỉ ngơi và khám phá các vùng đất mới. Ngành du lịch Đắk Lắk đã tích cực chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón khách du xuân.

Theo các nhân sự ngành du lịch, dịp Tết Nguyên đán năm nay, Đắk Lắk dự báo sẽ đón lượng khách du lịch khá đông, trong đó cao điểm của khách nội địa từ mùng 2 đến mùng 5 Tết. Bởi sau đại dịch COVID-19, loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa với các nhóm khách đi theo nhóm nhỏ, gia đình bằng xe cá nhân được yêu thích; bên cạnh đó Đắk Lắk được lòng du khách nhờ có khí hậu mát mẻ; nhiều homestay mới lạ hấp dẫn; nhiều di tích, danh thắng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; ẩm thực phong phú…

Ghi nhận của phóng viên tại khu vực TP. Buôn Ma Thuột và một số điểm du lịch nổi tiếng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị tốt các hoạt động phục vụ du khách. Nhiều cơ sở đã sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất, chỉnh trang cảnh quan, trang trí tiểu cảnh rực rỡ sắc màu như khoác lên mình chiếc áo xuân tươi mới để chào đón du khách. Các đơn vị còn bố trí thêm nhân lực để hướng dẫn, hỗ trợ, phục vụ du khách; đầu tư, mở rộng thêm nhiều hoạt động tham quan, vui chơi, trải nghiệm, “check in” thú vị…

Một góc trang trí xuân tại Bảo tàng Đắk Lắk.

Chị Nguyễn Lê Thanh Thảo (Giám đốc Marketing của Khu du lịch Sinh thái Bản Đôn - Thanh Hà, huyện Buôn Đôn) cho biết: “Trước Tết 1 tháng, chúng tôi đã trồng lại các bồn hoa, cây cảnh; trang trí nhiều tiểu cảnh nơi chụp ảnh để phục vụ du khách. Đặc biệt, chúng tôi trọng tâm lưu giữ, bổ sung hiện vật về voi nhằm giới thiệu cho du khách hiểu rõ về voi, tập tính sinh hoạt, giá trị tâm linh của voi đối với vùng đất Đắk Lắk và con người Tây Nguyên; mang đến những điều thú vị cho khách nhân dịp năm mới”. 

Chị Hồ Thanh, chủ của điểm cà phê, giải trí King Koi (Ea Toh, huyện Krông Năng) cho hay: “Để mang đến chất lượng tốt nhất cho khách vui chơi xuân, tôi không chỉ trang trí rực rỡ, mà còn thuê thêm nhân sự, hướng dẫn kỹ càng trước khi vào làm. Về giá cả không thay đổi so với ngày thường để du khách yên tâm vui chơi”.

Du khách chụp ảnh tại địa điểm Hội An giữa lòng Ban Mê (TP. Buôn Ma Thuột). 

Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, các khu, điểm du lịch, khách sạn, điểm kinh doanh còn tổ chức nhiều chương trình vui Xuân, đón Tết, tái hiện bức tranh muôn màu Tết của các vùng miền của đất nước, như Khu du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam với các hoạt động trình diễn cồng chiêng, múa xoang, uống rượu cần; Khu Du Lịch Sinh thái Ako Ea phục vụ du khách các món ăn ngon, đậm đà bản sắc Tây Nguyên; Bảo tàng Đắk Lắk với các hoạt động làm tò he từ đất nặn, ống tre may mắn; Trung tâm phát hành phim và chiếu đóng Đắk Lắk đưa vào hoạt động cụm rạp Đắk Lắk Cinema Center, chiếu những bộ phim Việt hấp dẫn…

Bên cạnh đó, nhiều điểm check in mới, quy mô không lớn cũng kịp mở ra để phục vụ du khách. Đơn cử như điểm chụp hình, quán cà phê Hội An giữa lòng Ban Mê (TP. Buôn Ma Thuột). Không gian có nhiều nét đẹp tương đồng với phố cổ Hội An nổi tiếng: từ những ngôi nhà được khoác lên màu vàng tươi đặc trưng, những chiếc lồng đèn rực rỡ, xích lô, xe cổ đến cả mô hình địa danh Chùa Cầu,… khiến nhiều người không khỏi xao xuyến tìm đến chụp ảnh, trải nghiệm. Du khách có thể thuê áo dài để chụp hình hoặc lựa chọn các món ăn đặc sản Quảng Nam để có được cảm giác như đang ở phố cổ Hội An. 

Vườn hoa rực rỡ phục vụ du khách tại Khu du lịch Sinh thái Bản Đôn - Thanh Hà, huyện Buôn Đôn.

Đầu năm, các huyện cũng tổ chức các lễ hội như: Lễ hội Văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ II, năm 2023; Lễ hội Khai hạ Dân tộc Mường tại xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông; Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc, tại thôn 4, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin… Tại các lễ hội này, du khách có thể tham gia trải nghiệm Tết Việt truyền thống như: xin câu đối, thưởng trà, chơi các trò chơi dân gian và cùng nghe những câu chuyện thú vị về phong tục ngày Tết…

Chị H’zeny Niê, một người con xa quê bao năm trở về Đắk Lắk đón Tết tâm tình: “Dù đi đâu, tôi vẫn thấy quê mình là đẹp nhất; được đón Tết cổ truyền trên quê hương thật tuyệt vời, mùa xuân được bên cạnh gia đình khá thú vị và ấm cúng. Không những vậy, không khí ngày Tết tràn ngập khắp mọi nơi, tôi cảm thấy rất tự hào…”.

Du khách Nguyễn Văn Định (Cần Thơ) đến với Ban Mê sớm hơn so với dự định, nhưng anh cũng hề cảm thấy thất vọng bởi mọi thứ đã đâu vào đấy. Anh đã đi đến vài điểm trong thành phố và dành thời gian Tết để tham gia các chương trình lễ hội tại các huyện…

Nhân viên cụm rạp Đắk Lắk Cinema Center chuẩn bị trang trí để đón khách đến rạp những ngày xuân.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, trước Tết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tại các địa bàn du lịch trọng điểm để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, tránh tình trạng đeo bám, chèn ép du khách vào mùa cao điểm.

Ngành du lịch Đắk Lắk đặt mục tiêu năm 2023 đón khoảng hơn 1.050.000 lượt khách đến tham quan, du lịch; trong đó 15.000 lượt khách lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 850 tỷ đồng. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch, nhất là trong đợt Tết Nguyên đán này, hứa hẹn sẽ là một khởi đầu tốt đẹp để ngành đạt được những kết quả đã đề ra.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.