Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác du lịch 5 địa phương khu vực miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên

14:40, 06/08/2022

Ngày 5/8, tại TP. Buôn Ma Thuột diễn ra "Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch điểm đến 5 địa phương (Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên”. 

Hội nghị nằm trong Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại khu vực Tây Nguyên từ ngày 4 - 6/8 do Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đồng tổ chức.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 5 tỉnh/thành phố miền Trung, các tỉnh khu vực Tây Nguyên và gần 120 doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh du lịch của các địa phương tham gia chương trình.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đơn vị đã giới thiệu về tiềm năng, sản phẩm du lịch của các tỉnh thành; đồng thời trao đổi, thảo luận về việc phát triển sản phẩm du lịch kết nối giữa các địa phương miền Trung và Tây Nguyên. 

5 tỉnh/thành phố miền Trung gồm Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á (do Lonely Planet vinh danh năm 2019). Nơi đây có hệ thống sản phẩm du lịch rất đa dạng, phong phú như du lịch biển, đảo; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa – lịch sử; du lịch cộng đồng…, cùng với hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch đồng bộ, trong đó có nhiều sản phẩm, cơ sở lưu trú, điểm du lịch đẳng cấp quốc tế. 

Đại diện Ban tổ chức trao đổi trực tiếp, thảo luận với các doanh nghiệp.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa vô cùng to lớn, có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là một trong 7 vùng du lịch của cả nước. Đây cũng là thị trường trọng điểm của 5 địa phương miền Trung trong nhiều năm qua.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày của du lịch Đắk Lắk tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, với những tiềm năng như trên, sự kết nối giữa hai vùng sẽ tạo nên hành lang du lịch xanh, hợp tác phát triển những sản phẩm du lịch chung độc đáo cho khách du lịch nội địa và quốc tế. 

Thông qua Hội nghị, các sản phẩm du lịch và chương trình kích cầu của 5 địa phương miền Trung đã được giới thiệu đến các công ty du lịch, lữ hành khu vực Tây Nguyên; qua đó thúc đẩy sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa hai khu vực động lực phát triển du lịch của cả nước, góp phần phục hồi, tăng trưởng và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Đại diện 5 tỉnh/thành phố miền Trung ký kết thỏa thuận hợp tác, phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2026 với các tỉnh Tây Nguyên.

Dịp này, đại diện 5 tỉnh/thành phố miền Trung đã ký kết thỏa thuận hợp tác, phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2026 với các tỉnh Tây Nguyên. Thoả thuận tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm: hợp tác về công tác quản lý nhà nước về du lịch, hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch; hợp tác về quảng bá, xúc tiến du lịch. Đây là cơ sở quan trọng để các tỉnh liên kết, hợp tác trong khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; tạo lập không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch và Nhân dân các tỉnh, thành trong chương trình liên kết, tìm kiếm đối tác để xây dựng, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch…

Đại diện ngành du lịch và doanh nghiệp các tỉnh miền Trung tham quan tại Bảo tàng Đắk Lắk.

Trong khuôn khổ Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại khu vực Tây Nguyên, đại diện ngành du lịch và doanh nghiệp các tỉnh miền Trung đã đi khảo sát một số điểm du lịch của tỉnh Đắk Lắk như: thác Dray Nur, Bảo tàng Đắk Lắk, buôn Ako Dhông, Khu Du lịch Sinh thái Văn hóa cộng đồng Ko Tam…

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.