Cầu 14 và những miền nhớ
Có những cây cầu không chỉ nối đôi bờ sông, mà còn nối dài ký ức một dân tộc. Có những nhịp cầu không chỉ chở bước chân người qua lại, mà còn chuyên chở cả những khát vọng, những hi sinh và những miền nhớ không thể nguôi quên.
Trên vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, bắc ngang qua dòng Sêrêpốk miệt mài chảy, Cầu 14 (hay còn gọi là Cầu Sêrêpốk) vẫn lặng yên tồn tại, như một chứng nhân của thời gian.
Lật giở những trang sử xưa, Cầu 14 – cây cầu đầu tiên bắc qua dòng Sêrêpốk được xây dựng từ năm 1941 dưới thời Pháp thuộc. Mỗi thanh sắt thép, từng dầm cầu đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của những tù nhân chính trị, của những người dân bản địa bị bắt ép lao động khổ sai.
Ngày khánh thành, để chứng minh sự an toàn của cây cầu, vợ của một kỹ sư người Pháp đã trao cho cô gái Êđê đẹp nhất vùng đôi giày cao gót, rồi cùng cô, trong trang phục truyền thống, đi bộ qua cây cầu. Một hình ảnh vừa kiêu hãnh, vừa thấm đẫm sự đối nghịch của lịch sử – khi đằng sau những nhịp bê tông ấy là mồ hôi, nước mắt của biết bao thống khổ.
![]() |
Quá trình xây dựng Cầu 14. Ảnh tư liệu. |
Bước sang giai đoạn chống Mỹ (1954 - 1975), tuyến đường 14 được đế quốc Mỹ và ngụy quyền khai thác triệt để. Nhận thức rõ vai trò chiến lược quan trọng của Cầu 14 cả về quân sự, kinh tế và chính trị, địch đã làm chốt chặn án ngữ nhằm ngăn chặn tuyến chi viện huyết mạch từ miền Bắc vào miền Nam. Đồng thời, chúng kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của nhân dân, các cơ sở cách mạng từ vùng ven tiếp cận nội thị Buôn Ma Thuột, kết hợp tổ chức đánh phá lực lượng quân Giải phóng, từng bước mở rộng, củng cố bàn đạp chiến lược, lấy Tây Nguyên làm điểm tựa tấn công và đánh phá ra miền Bắc.
Cũng tại nơi đây, đêm mùng 2, rạng sáng 3/2/1969, tiếng nổ của 50 kg thuốc nổ và mìn do đội Biệt động K2, H6 (mật danh thị xã Buôn Ma Thuột) và đơn vị V12 của Tỉnh đội thực hiện đã đánh sập lô cốt phía Nam cầu, làm rung chuyển cả một vùng trời, làm cản trở đường hành quân cơ giới của lực lượng Việt Nam Cộng hòa chi viện từ hướng Buôn Ma Thuột cho Đức Lập, tỉnh Quảng Đức.
Những năm sau đó, thế trận địch bắt đầu rạn nứt. Tháng 3/1975, khi Chiến dịch Tây Nguyên chính thức mở màn, Buôn Ma Thuột trở thành điểm đột phá then chốt. Chiến thắng Buôn Ma Thuột không chỉ làm rung chuyển Tây Nguyên mà còn mở đường cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam.
![]() |
Cầu 14 xưa. Ảnh tư liệu. |
Trong những ngày sục sôi ấy, từng toán quân chủ lực hành quân thần tốc, băng qua những con đường bazan đỏ lửa, dũng mãnh chạy trên cầu, tiến về giải phóng Sài Gòn.
Ông Nguyễn Quang Luyến, cựu chiến binh phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột – người từng trực tiếp tham gia cả Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh kể lại với niềm xúc động: “Khi ấy hành quân ban ngày, trời Tây Nguyên nắng chang chang. Những đoàn xe, đoàn bộ đội nối nhau thành từng tốp dài. Qua đến một cây cầu lớn bằng sắt bắc qua sông rộng, tôi ngỡ ngàng. Cây cầu ấy trông chẳng khác gì cầu Long Biên ngoài Hà Nội; những nhịp thép cong cong dưới nắng. Cả đoàn người miệt mài bước nhanh qua cầu, gấp gáp thẳng tiến hướng về Sài Gòn. Khi ấy chỉ biết đó là một cây cầu lớn, như cánh cửa mở ra, tiến vào trận địa mới. Mãi sau này, tôi mới hay đó chính là Cầu 14 – nơi đánh dấu một chặng đường lịch sử mà mình từng đi qua...”
Dưới bánh xe, dưới gót giày bộ đội, cây cầu vang lên những nhịp âm rầm rập, rầm rập, như những nhịp trống dội vang thúc giục tiến quân và cõng trên thân mình các đoàn quân háo hức băng tới mặt trận mới, bắc nhịp nối giữa chiến thắng Tây Nguyên và ngày toàn thắng.
Sau ngày 30/4/1975, đất nước trọn niềm vui thống nhất, Cầu 14 tiếp tục chứng kiến những đổi thay của Tây Nguyên. Những chuyến xe chở cà phê, hồ tiêu, cao su từ các nương rẫy ngược xuôi qua cầu; chở những mặt hàng nông sản đến các tỉnh thành, ra cảng lớn để xuất khẩu.
![]() |
Cầu 14 hiện nay. Ảnh: Nguyễn Gia |
Với nhu cầu đi lại ngày càng cao, chính quyền tỉnh Đắk Lắk quyết định xây dựng một cây cầu mới song song với cây cầu cũ và năm 1992 đã khánh thành, đưa vào sử dụng.
Năm 2014, tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông tiếp tục xây cây cầu thứ ba nằm giữa hai cây cầu cũ và mới để đáp ứng nhu cầu vận tải. Cầu 14 cũ, từ đó không còn là con đường chính cho xe cộ đi lại và bắt đầu phủ kín rêu phong, lấm tấm vết thời gian. Dù vậy, nhưng trong tâm thức của bao thế hệ, nhịp cầu xưa vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa và giá trị lịch sử.
Giữa những hối hả của nhịp sống, của dòng thời gian đang trôi vội, Cầu 14 vẫn lặng lẽ, yên bình ở đó, không chỉ bắc qua sông, mà còn bắc qua những miền ký ức: từ những tháng ngày ngập tràn tiếng súng, đến những mùa hòa bình rực nắng. Nhịp cầu ấy, giờ đây vẫn thì thầm với gió rừng, sóng vỗ nơi dòng Sêrêpốk chảy qua và kể về câu chuyện của chính mình…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc