Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn Thủ tướng Chính phủ đầu tiên thời kỳ đổi mới

09:42, 27/06/2022

Đồng chí Phạm Hùng (11/6/1912 – 10/3/1988) là người con ưu tú của đất Vĩnh Long. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước.

Trong công tác, thời chiến cũng như trong thời bình, đồng chí luôn thể hiện phong cách làm việc khoa học, có nguyên tắc nhưng không máy móc, thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lãnh đạo tài năng. Đặc biệt, đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn lớn, mang tính đột phá trong thời kỳ đầu Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.

Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

(1912 – 1988). Ảnh tư liệu.

Sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội - an ninh đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, quyết đoán, sáng suốt và tài năng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đồng chí Phạm Hùng tiếp tục đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 6/1987, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII - Quốc hội của thời kỳ đổi mới, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Thủ tướng Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ tháng 6/1987 đến tháng 3/1988), khi đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đồng chí Phạm Hùng đã cùng Trung ương Đảng làm hết sức mình để đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới để tiến lên. Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, đồng chí khẳng định trước Quốc hội: “Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân”.

Giữa lúc đời sống của nhân dân thiếu thốn trăm bề, không quản ngày đêm, đồng chí Phạm Hùng cùng tập thể lãnh đạo Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) họp bàn, mạnh dạn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng cơ chế, chính sách… Đồng chí đã để lại những dấu ấn đậm nét về trách nhiệm và tài năng trong việc khẩn trương đưa chủ trương, đường lối đổi mới của Đại hội Đảng VI đi vào cuộc sống; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện ba chương trình kinh tế lớn. Đồng chí chỉ đạo sát sao, quyết liệt trên mặt trận nông nghiệp, bảo đảm cân đối lương thực cho nhân dân; chuyển các đơn vị kinh tế quốc doanh sang hạch toán kinh doanh, đổi mới hoạt động ngân hàng, chỉ đạo đột phá vào phân phối lưu thông; gắn khôi phục và phát triển kinh tế với chăm lo đời sống của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội; tăng cường đoàn kết và mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với bạn bè quốc tế... Những công việc mà đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước giải quyết trong thời kỳ này là những bước đi quan trọng, tạo tiền đề cho những thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới đất nước về sau.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và những năm tháng điều hành Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng luôn thể hiện phong cách bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào, dân chủ và rộng lượng với tất cả mọi người, nhưng lại nghiêm khắc với chính bản thân mình. Đặc biệt, đồng chí luôn đặt lợi ích của dân, của nước lên trên hết, trước hết và nghiêm túc tự phê bình, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của người khác để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình… Đồng chí là người lãnh đạo, người tổ chức và người hành động với tinh thần trách nhiệm rất cao; hết lòng chăm lo, giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, đem hết trí tuệ và sức lực nhằm hoàn thành công việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đúng như đồng chí đã nói: “Chúng ta còn sống thì còn lao động và còn chiến đấu”.

Đồng chí Phạm Hùng (người giơ tay) trong chuyến thăm và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh (4//1987). Ảnh tư liệu

Trong chuyến công tác vào miền Nam chỉ đạo, khảo sát những mô hình và phương thức kinh tế mới theo cơ chế thị trường, đồng thời tổ chức thu mua lúa gạo và vận chuyển ra Bắc cứu đói cho dân thì đồng chí Phạm Hùng đột ngột qua đời do một cơn đau tim nặng vào ngày 10/3/1988 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 76 tuổi.

Trong suốt 60 năm liên tục hoạt động cách mạng sôi nổi và luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió, đồng chí Phạm Hùng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với kiến thức sâu rộng và tư duy khoa học nhạy bén, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.  

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc