Multimedia Đọc Báo in

“Cây bàng cách mạng” và kỷ vật thiêng liêng của gia đình người cựu tù

15:51, 28/04/2025

Những ngày tháng Tư lịch sử, Côn Đảo đón hàng chục nghìn khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm.

Trong số ấy có những “người tù không số” đến Côn Đảo để hiểu thêm về những người thân của mình hơn nửa thế kỷ trước đã ngoan cường đấu tranh chống lại chế độ tù đày hà khắc như thế nào.

Gọi họ là “người tù không số” bởi mẹ của họ đã bị tù đày tại Côn Đảo hoặc các nhà tù khác, họ được sinh ra trong tù hoặc bị bắt cùng mẹ rồi lớn lên trong tù, cùng chịu số phận của người tù và kiên cường cùng mẹ vượt qua bao khó khăn, chỉ khác là không mang số tù...

Chị Bùi Thị Xuân Hạnh (SN 1967, trú quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) là một trong nhiều “người tù không số” như vậy. Dịp này, chị đến Côn Đảo để thăm lại “chuồng cọp” - nơi mà gần 60 năm trước, mẹ chị là bà Lê Thị Tâm đã bị giam cầm suốt 6 năm. Đặt bàn tay lên thân cây bàng phía trước trại giam Phú Hải, chị Hạnh xúc động chia sẻ: “Tôi trở lại Côn Đảo lần này để thực hiện di nguyện cuối đời của má tôi, đó là thăm phòng giam “chuồng cọp” số 9 nơi má đã bị bọn cai ngục hành hạ dã man; thăm cây bàng ngày ấy má đã từng cất giấu tài liệu truyền đơn từ năm 1969 đến ngày Côn Đảo giải phóng. Tôi thì sinh ra ở nhà lao Thủ Đức và trở thành “người tù không số”.

Chị Bùi Thị Xuân Hạnh và bức tranh thêu của mẹ.

Theo lời kể của chị Hạnh, tháng 8/1966, khi đang hoạt động cho Biệt động Sài Gòn thì má chị bị bắt. Lúc đó má chị lấy biệt danh là Mười Đào (tên thân mật gọi là dì Mười). Bà bị bắt khi đang bí mật hoạt động tại chợ Bà Chiểu và bị nhốt tại nhà lao Thủ Đức. Khi đó bà đang mang thai 1 tháng. “Tháng 3/1967, tôi chào đời tại nhà lao Thủ Đức. Má tôi kể lại, tôi sinh ra chỉ nhỏ như một con chuột đặt trong lòng bàn tay. Tôi được các dì, các má trong tù nuôi lớn lên trong tù”, chị Hạnh hồi tưởng.

Sau hơn ba năm bị tra tấn dã man nhưng đành “bó tay với con cộng sản cứng đầu”, đến cuối năm 1969 thì địch đày bà Mười Đào ra Côn Đảo. Chị Hạnh được gửi lại cho các dì, các má trong nhà lao Thủ Đức bảo bọc và nuôi nấng.

Ở Côn Đảo, bà Mười Đào bị giam tại “chuồng cọp” - phòng giam số 9, từ cuối năm 1969 đến cuối tháng 4/1975. Bà đã bị bọn cai ngục dùng mọi cực hình tra tấn dã man như dí điện vào “vùng kín”, đổ xà phòng vào mồm nhưng không cách gì làm lung lay ý chí chiến đấu của bà. Sau nhiều tháng bị giam cầm trong hầm tối, một buổi chiều năm 1971, khi được bọn cai ngục “cho đi hóng mát”, lợi dụng sơ hở của bọn cai ngục, bà Mười Đào đã gửi thông tin bí mật “sẵn sàng cho ngày giải phóng” vào gốc cây bàng trước cửa phòng biệt giam. “Tài liệu đó má tôi giấu vào gốc cây bàng trước cửa phòng giam số 9, trại Phú Hải này và sau đó được chuyển đến cơ sở cách mạng an toàn. Ngày 30/4/1975, Côn Đảo giải phóng, đến ngày 5/5/1975 má tôi được tàu hải quân chở về đất liền trong đoàn “Chiến thắng 2” - chị Hạnh chia sẻ.

Trong ngôi nhà cũ kỹ chung cổng hàng xóm ở số 17 Lê Tự Tài, phường 14, quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh), chị Hạnh vẫn lưu giữ nhiều hiện vật mà 50 năm trước má chị đem về từ Côn Đảo. Trong số đó có hai kỷ vật thiêng liêng gắn với bà Mười Đào trong suốt cuộc đời làm cách mạng.

“Cây bàng cách mạng” trước phòng biệt giam số 9 – nơi giam cầm nữ cựu tù chính trị Mười Đào và đồng đội.

Kỷ vật thứ nhất là bức tranh được bà Mười Đào thêu trong hai năm 1971 - 1972. Lúc ấy, do quá nhớ thương con, bà Mười Đào đã bí mật lấy lá bàng khô đốt thành tro, hòa thành mực; rút sợi vải từ áo bà ba nhuộm mực, xe thành chỉ để thêu. Bức tranh thêu thể hiện tình cảm thương nhớ của người mẹ trong ngục tù tối tăm với người con gái bé bỏng ở đất liền. Một buổi bình minh, một con tàu đang neo đậu giữa biển khơi sẵn sàng chở cựu tù Côn Đảo trở về đất liền trong ngày toàn thắng. Hình ảnh đứa con gái bé bỏng đang mong đợi mẹ từ Côn Đảo trở về. Bức thêu ghi dòng chữ “thương nhớ gởi về con, kỷ niệm ngục tù Côn Đảo ngày 6-2-72”. Cầm bức tranh thêu, chị Hạnh rưng rưng: “Bức thêu này đã trở thành kỷ vật vô giá của gia đình tôi. Mỗi lần nhìn tranh tôi lại nhớ má”.

Bà Mười Đào (Lê Thị Tâm) lúc sinh thời với những kỷ vật thiêng liêng của một đời làm cách mạng.
Chuồng cọp - nơi tra tấn dã man những chiến sĩ cộng sản.

Kỷ vật thứ hai là chiếc lá bàng khô có hình chị lúc còn bé. Năm 1972, trong một buổi chiều được ra khỏi buồng giam số 9, lợi dụng sơ hở của bọn cai ngục, bà Mười Đào đã lấy một lá bàng tươi nhét vào người. Hôm sau bà Mười Đào dùng kim khâu châm trên lá bàng vẽ hình đứa con gái bé bỏng. Lá bàng đặc biệt ấy được giấu kín trong gốc cây bàng trước cửa buồng giam và sau đó được chuyển về đất liền.

“Ngày thống nhất đất nước, má con gặp nhau. Má kể về chiếc lá bàng đặc biệt và những năm tháng bị giam cầm ở Côn Đảo. Lúc đó tôi đã không cầm được nước mắt. Và tôi mới hiểu vì sao trong ngục tù tăm tối má lại thêu những bức tranh đầy khát vọng đợi ngày Tổ quốc thống nhất”, chị Hạnh xúc động sẻ chia.

Tuấn Cường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.