Multimedia Đọc Báo in

Đối thoại với đoàn viên, hội viên huyện Ea Kar: Phát huy quy chế dân chủ cơ sở

08:12, 07/11/2024

Với việc chú trọng tổ chức các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, hội viên và nhân dân, quy chế dân chủ cơ sở ở huyện Ea Kar đã được phát huy, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tế.

Đổi mới cách làm

Theo Chánh Văn phòng Huyện ủy Ea Kar Phan Trọng Hùng, thay vì Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đứng ra tổ chức đối thoại như trước đây thì năm 2024, Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với UBND huyện tổ chức, triển khai đối thoại. Điều này không chỉ thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc nắm bắt, xử lý kịp thời những vấn đề ở cơ sở.

Để việc tổ chức đối thoại thực sự hiệu quả, Huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội triển khai lấy ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên từ thôn, buôn. Sau khi tổng hợp theo từng nhóm vấn đề, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, các ban xây dựng Đảng của Huyện ủy và các phòng chức năng, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm trả lời, giải đáp theo thẩm quyền.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Kar trả lời nội dung liên quan đến huy động xã hội hóa giáo dục tại hội nghị đối thoại.

Với gần 100 câu hỏi tại hội nghị đối thoại vừa được Huyện ủy tổ chức mới đây, đoàn viên, hội viên và người dân ở các xã, thị trấn, thôn, buôn trên địa bàn huyện đã nêu lên kiến nghị, đề xuất những nội dung, vấn đề sát sườn, cụ thể ở tất cả các lĩnh vực từ xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa - xã hội, tài nguyên môi trường, thủ tục hành chính đến an ninh trật tự.

Điều đáng nói, bên cạnh những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, đoàn viên, hội viên còn bày tỏ sự quan tâm, trăn trở trước những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự. Đó là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thanh niên; việc giáo dục kiến thức lịch sử địa phương cho học sinh; các thủ tục hành chính cho người dân đối với các thôn, buôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập…

Tập trung giải quyết kịp thời

Những vấn đề được phản ánh tại hội nghị đối thoại đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các phòng, ban liên quan của huyện trả lời cặn kẽ, thấu đáo theo từng nhóm vấn đề.

Chẳng hạn như đối với nội dung về công tác cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số, Ban Tổ chức Huyện ủy đã phân tích, làm rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy trong quy hoạch, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số trên địa bàn thời gian qua, định hướng của nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo các khâu đột phá của Văn kiện Đại hội đại biểu huyện Ea Kar lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các chỉ thị, nghị quyết, chương trình về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người đồng bào dân tộc thiểu số và công tác phụ nữ trong tình hình hình mới…

Những nội dung kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, hội viên huyện Ea Kar đã được người đứng đầu huyện ủy, UBND huyện và các phòng, ban trả lời tại hội nghị đối thoại.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã chỉ rõ những định hướng của công tác đấu tranh, ngăn chặn việc xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, trong đó tập trung giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh viên nhận diện thông tin sai lệch, thù địch trên không gian mạng, tổ chức các diễn đàn sinh hoạt chính trị phù hợp, thành lập, lan tỏa các kênh thông tin chính thống, câu lạc bộ lý luận trẻ; đồng thời, tăng cường tổ chức sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi tìm hiểu lịch sử bằng nhiều hình thức, mời nhân chứng lịch sử nói chuyện chuyên đề nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh.

Những boăn khoăn của người dân về việc giải quyết thủ tục hành chính sau khi thực hiện sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố đã được lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện trả lời cụ thể. Theo đó, các xã, thị trấn đã hoàn thành đề án sáp nhập 71 thôn, buôn, tổ dân phố thành 34 thôn, buôn, tổ dân phố mới và thành lập mới 1 thôn tại khu tái định cư số 2 (xã Cư Bông). Như vậy, toàn huyện sẽ còn 184 thôn, buôn, tổ dân phố thay vì 220 thôn, buôn, tổ dân phố như trước. Sau khi được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết sáp nhập, huyện sẽ thành lập tổ công tác cùng với các xã, thị trấn, các cơ quan, phòng, ban chuyên môn hỗ trợ người dân giải quyết việc điều chỉnh giấy tờ tùy thân, đăng ký quyền sử dụng đất…

Theo Bí thư Huyện Đoàn Y Ngan Niê, những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, hội viên đã được trả lời cụ thể, rõ ràng, thể hiện sự sát sao, quan tâm hướng về cơ sở của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.