Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

20:24, 05/06/2023

Chiều 5/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành.

Theo đó, việc xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về tổ chức tín dụng; luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: quochoi.vn

Cũng theo các đại biểu, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, theo các đại biểu dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới chỉ tập trung nhiều vào xử lý những vấn đề bất cập chủ yếu trong công tác quản lý nhà nước, các nội dung về tăng cường năng lực quản trị, điều hành của các ngân hàng cũng như đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cần được hoàn thiện thêm, nhất là để phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời, cần quan tâm hơn đến việc thúc đẩy phát triển thị trường ngân hàng bền vững, hiệu quả; nâng cao khả năng cạnh tranh.

Liên quan về tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, một số ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo Luật có nội dung liên quan đến nhiều luật khác, trong đó có một số luật đang trình Quốc hội cho ý kiến như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Và các luật trình Quốc hội xem xét thông qua như Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng....

Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định của Luật, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật.

Đồng thời, cần rà soát các quy định có liên quan tại các FTA khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Một số ý kiến cũng cho rằng, quy định về “người có liên quan” tại dự thảo Luật chưa thống nhất với Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán có thể dẫn đến vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn

Trên thực tế, sự chưa thống nhất này rất có thể sẽ phát sinh trường hợp người kê khai không biết mình có quan hệ với những người liên quan như con riêng của vợ hoặc chồng; anh, chị, em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha...

Do đó, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát hoàn thiện quy định này và các quy định về hạn chế đối với từng đối tượng người có liên quan để bảo đảm quyền lợi của người dân trong việc tham gia các hoạt động kinh tế cũng như tránh tình trạng vô tình rơi vào các quy định cấm này.

Về nội dung ngân hàng chính sách, có ý kiến đại biểu nêu rõ, việc quy định về ngân hàng chính sách tại dự thảo Luật là cần thiết nhằm xác định rõ ràng địa vị pháp lý, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, nâng cao năng lực quản trị, điều hành hoạt động, phát triển bền vững các ngân hàng này.

Tuy nhiên một số ngân hàng chính sách có những đặc thù riêng và thực hiện những nội dung, nhiệm vụ khác nhau nhưng đều nhằm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như mục tiêu, mô hình hoạt động, quản trị, điều hành, cơ chế quản lý tài chính, các chỉ tiêu an toàn vốn, tổ chức lại, giải thể... để Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết; bổ sung, hoàn thiện các quy định về ngân hàng chính sách, bảo đảm không vướng mắc và đủ căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện.

Tham gia thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đề nghị, tại Điều 2 (Điều khoản áp dụng) cần cân nhắc, bổ sung quy định áp dụng đối với các tổ chức liên quan đến: tư vấn tài chính, mua bán, xử lý nợ xấu. Vì thực chất các tổ chức này cũng thực hiện một, hoặc một số công đoạn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Liên quan đến quy định về giải thích từ ngữ, đại biểu tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị cần bổ sung thêm các khái niệm về: tư vấn tài chính, công ty tư vấn tài chính, xử lý nợ xấu. Theo đại biểu, trong dự thảo Luật mặc dù đã có các nội dung này, nhưng chưa được giải thích, làm rõ.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, Ngân hàng chính sách xã hội là một loại hình Ngân hàng do Nhà nước thành lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, phục vụ cho người nghèo và các dối tượng chính sách khác, nhằm thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Vì vậy, nếu thực hiện xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm cũng áp dụng như các tổ chức tín dụng thương mại trong dự thảo Luật là chưa phù hợp. Do đó, nên giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế riêng, đặc thù, phù hợp với đối tượng là hộ nghèo, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa để thực hiện nội dung này…

Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số

Thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước. Theo đó, các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 10 thảo luận về các dự án Luật. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 10 thảo luận về các dự án luật. Ảnh: quochoi.vn

Đồng thời, hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân.

Cũng theo các đại biểu, Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động, các cơ quan quản lý có liên quan; tham khảo pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước; …

Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo các đại biểu lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu hoàn thiện một số nội dung cụ thể đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi dự luật được thông qua.

Đại biểu cho rằng, việc đầu tư xây dựng dự án trong đó có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân cơ bản thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu việc lồng ghép thực hiện thủ tục “Lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước” quy định tại khoản 7 Điều 44 của Dự thảo Luật với thủ tục “Tham vấn trong đánh giá tác động môi trường” quy định tại Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường; tham vấn ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường nhằm tăng cường cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu tư cho chủ dự án.

Bên cạnh đó, đề nghị rà soát, hoàn thiện, bổ sung quy định cụ thể ngay trong Luật này về phân cấp thẩm quyền cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo hạn ngạch khai thác, hạn ngạch sử dụng nước.

Về quản lý nguồn nước theo lưu vực sông, đại biểu cho rằng, cần có công cụ quản lý tài nguyên nước ở lưu vực sông cũng như đề nghị bổ sung trách nhiệm của các bộ ngành, tổ chức lưu vực sông và các bên liên quan trong xác định dòng chảy tối thiểu.

Đại biểu cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông.

Ngoài ra, hiện nay nguồn lực hoạt động của Hội đồng lưu vực sông còn khiếm tốn nên đề nghị cần quy định nguồn lực để bố trí hoạt động hiệu quả hơn. Mặt khác, trong dự án Luật nên có quy định rõ hơn về hoạt động quản lý nước ở lưu vực sông một cách linh hoạt, hiệu quả hơn…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.