Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật

14:43, 23/05/2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 23/5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu tán thành với Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 cũng như nội dung dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác lập pháp đã đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều đổi mới sáng tạo, hiệu quả trong phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần trách nhiệm với tinh thần lập pháp, chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, đã thông qua số lượng lớn luật, pháp lệnh, nghị quyết góp phần quan trọng từng bước hoàn thiện đồng bộ thể chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, mặc dù Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật hiện hành xong hệ thống pháp luật vẫn chưa thực sự đồng bộ, hoàn chỉnh. Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật vẫn là điều cần phải được quan tâm, chú trọng một số quy định có tính khả thi không cao, sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Đáng lưu ý là trong các văn bản pháp luật còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, việc ban hành các văn bản này thường rất chậm, không kịp thời nên pháp luật đi vào đời sống tồn tại tình trạng nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau… 

Theo đại biểu, phương châm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Chủ tịch Quốc hội là chủ động từ sớm, từ xa nhưng trong thực tế đang còn nhiều bất cập.

Việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh còn nhiều so với chương trình chính thức, việc này diễn ra nhiều năm và khá phổ biến. Đại biểu băn khoăn về yếu tố dự báo chưa cao, yêu cầu thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải có điều chỉnh, bổ sung hay do kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, tùy tiện.

Đại biểu cho biết, một số dự án luật chuẩn bị gửi đến đại biểu Quốc hội còn rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy chế hoạt động của Quốc hội, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu, tham gia của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu thẳng thắn chỉ rõ, dường như câu chuyện làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn; cùng với đó tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”. Một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung. Đây là vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm và yêu cầu phải được mổ xẻ và có giải pháp khắc phục dứt khoát căn cơ, không né tránh, không nể nang.

Để việc xây dựng và pháp lệnh được đồng bộ, pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo việc xây dựng chính sách, pháp luật của các dự án phải cơ bản hoàn thành cùng với việc thông qua Chương trình; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh; xem xét duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình.

Bên cạnh đó, cần tăng cường việc giải thích pháp luật cho các quy định trong văn bản pháp luật được hiểu đúng và được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật, sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được mong mỏi của cử tri, nhân dân và doanh nghiệp cũng như đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn đời sống đặt ra.

Mặt khác, để đảm bảo tính ổn định, nâng cao chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu cho rằng trước hết Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức việc rà soát để xem xét chặt chẽ sự cần thiết khi cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp luật. Các cơ quan đề xuất cần làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động, phạm vi điều chỉnh. Bộ Tư pháp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm rà soát trước khi trình ra Quốc hội xem xét, thông qua.

Chính phủ cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ chủ trì đề xuất, Bộ Tư pháp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội cùng đồng hành ngay từ giai đoạn đầu của việc đề xuất xây dựng luật, kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện.

Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các cơ quan của Quốc hội, thường xuyên cập nhật dự thảo tiếp thu chỉnh lý ở từng giai đoạn để có phản ứng nhanh, kịp thời, đảm bảo dự thảo đạt chất lượng cao khi trình Quốc hội thông qua.

 Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ cơ bản nhất trí với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế xuất phát từ bối cảnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay có một số yếu tố đặc thù tác động lớn đến công tác lập và thực hiện chương trình. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, dành nhiều sự quan tâm hơn cho công tác xây dựng thể chế và có nhiều đề xuất thiết thực trong việc đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội để kịp thời đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.

Cùng với đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp, chú trọng chất lượng, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn trong việc xem xét, đề nghị thẩm tra cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý thông qua các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết. Đồng thời đã chủ động, tích cực đồng hành cùng Chính phủ, các bộ ngành trong việc thực hiện Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15, phối hợp xác định các vấn đề cấp bách thực tiễn đòi hỏi để đề xuất yêu cầu các cơ quan nghiên cứu lập đề nghị xây dựng luật đưa vào chương trình. 

Về đề nghị xây dựng Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Xuân bày tỏ nhất trí cao với một số quan điểm, định hướng cơ bản, đồng thời tán thành với việc điều chỉnh chương trình năm 2023 và dự kiến chương trình năm 2024. Theo đại biểu, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức khác đã thích ứng linh hoạt với tình hình, vượt qua khó khó khăn, tích cực, chủ động trong công tác lập và thực hiện Chương trình cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục phát huy các kết quả này, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật cần được chuẩn bị từ sớm, từ xa các chính sách được đề xuất phải nhằm kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, những chính sách này cần được bảo đảm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm được tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. 

Ngoài ra, trong phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng việc Chính phủ tiếp tục đề xuất xây dựng dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là phù hợp với Kế hoạch 81/KH-UBTVQ15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu làm rõ, việc xây dựng các dự án luật nói trên cũng là đòi hỏi khách quan của thực tiễn phù hợp với sự thay đổi vận động phát triển của xã hội, phù hợp với xu thế xây dựng pháp luật trong điều kiện xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng cho rằng việc Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đưa dự án Luật này vào chương trình năm 2023 là có cơ sở. Đại biểu nêu rõ, việc xây dựng dự án đợt này là để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở trong tình hình mới. Mặt khác, thời gian vừa qua, các dự án luật đã được Chính phủ tích cực, nghiêm túc và cầu thị trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để chỉnh lý hoàn thiện, chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật đảm bảo theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về điều chỉnh chương trình, tăng tính dự báo trong công tác xây dựng pháp luật, đề xuất nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm, đảm bảo thực hiện tốt nhất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ nói chung và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm nói riêng…

*Trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc