Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ nhất, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV (phần 2)

08:26, 10/02/2022

Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT)

1. Cử tri kiến nghị sớm ban hành các chính sách nhằm đảm bảo cho hoạt động liên tục của ngành lâm nghiệp: “Xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp để bố trí sản xuất cho người dân, góp phần đảm bảo đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài” theo tinh thần Nghị quyết số 71/NQ-CP, ngày 8/8/2017 của Chính phủ và Quyết định số 297/QĐ-TTg, ngày 18/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030.

Bộ NN-PTNT trả lời: Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã hoàn thành dự thảo, hồ sơ nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trình Chính phủ xem xét ban hành. Trong đó, đề xuất các chính sách cụ thể về đầu tư, hỗ trợ đầu tư và khuyến khích đầu tư đảm bảo hài hòa khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và tạo động lực để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản.

2. Cử tri kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo chế độ đối với người tham gia công tác bảo vệ rừng; ngân sách Trung ương đảm bảo 100% cho địa phương chi trả hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên.

Bộ NN-PTNT trả lời: Bộ NN-PTNT ghi nhận đề nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu, xây dựng nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trình Chính phủ, trong đó có các cơ chế, chính sách đảm bảo chế độ đối với người tham gia công tác bảo vệ rừng. Trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện nghị định, Bộ NN-PTNT sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đảm bảo hài hòa khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, phù hợp với các quy định và yêu cầu thực tiễn, tạo động lực kinh tế, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và các hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng trao đổi thông tin trong một chuyến tuần tra rừng. (Ảnh minh họa) Ảnh: Vạn Tiếp

3. Cử tri kiến nghị sớm phân bổ kinh phí để hoàn thành 13 dự án bố trí dân di cư tự do đang triển khai thực hiện và 7 điểm với 2.635 hộ dân di cư tự do cần đầu tư cấp bách để ổn định dân cư với tổng mức đầu tư dự kiến 945.283 triệu đồng (ngân sách Trung ương 661.698 triệu đồng, ngân sách địa phương 283.585 triệu đồng) theo tinh thần Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Bộ NN-PTNT trả lời: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Công văn số 941/VPCP-NC, ngày 7/5/2021 của Văn phòng Chính phủ và văn bản đề nghị của UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất danh mục dự án bố trí ổn định dân di cư tự do đề nghị hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2021. Bộ NN-PTNT đã tổng hợp danh mục các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do của các địa phương trên phạm vi cả nước (trong đó có tỉnh Đắk Lắk), đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để thực hiện; đồng thời có văn bản gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, Bộ NN-PTNT sẽ tổng hợp, hoàn thiện văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tuy nhiên, nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 hạn chế, chủ yếu tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, Bộ NN-PTNT trân trọng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk kiến nghị UBND tỉnh chủ động bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh, lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn để triển khai thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do theo quy định; phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ giao tại Nghị quyết số 22/NQ-CP.

4. Cử tri kiến nghị sửa đổi, bổ sung các tiêu chí đánh giá tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNN ngày 25/12/2018 của Bộ NN-PTNT quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT, vì một số biểu mẫu có chỉ tiêu để đánh giá chưa phù hợp với thực tế tại địa phương (như: Biểu mẫu số 2.2, nhóm chỉ tiêu số 9…).

Bộ NN-PTNT trả lời: Thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, Bộ NN-PTNT đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT, trong đó bao gồm nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT.

Hiện nay, dự thảo Thông tư đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Văn phòng Chính phủ và gửi đến các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để tham gia góp ý theo quy định của pháp luật. Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thông báo cho các cơ quan chức năng tại địa phương góp ý cho dự thảo, nêu rõ các nội dung đề xuất sửa đổi. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để hoàn thiện dự thảo.

Lan Anh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.