Multimedia Đọc Báo in

Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19

19:33, 13/10/2021

Chiều 13-10, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo phát triển địa phương với chủ đề "Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19; khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương".

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Cùng tham dự có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế. 

Tại điểm cầu Đắk Lắk có đồng chí Nguyễn Thành Dũng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; Trần Quang Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Duy Thụy, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học – Xã hội vùng Tây Nguyên và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội thảo (ảnh: Dương Giang/LĐO)
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội thảo (ảnh: Dương Giang/LĐO)

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, đại dịch COVID-19 kéo dài đã tác động lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước, đặc biệt là gây khủng hoảng kinh tế, đứt gãy liên kết sản xuất, người lao động thất nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay là cần sớm có giải pháp khắc hậu quả của dịch bệnh để nền kinh tế không bị lỡ nhịp, khai thông sản xuất, kinh doanh, đưa người lao động trở lại làm việc. Những giải pháp cần có lộ trình cụ thể cho từng địa phương và nền kinh tế quốc gia, bảo đảm tính đồng bộ về y tế, kinh tế và xã hội.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố thông tin về Chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 – 2023. Theo đó, cả nước sẽ tập trung cho phục hồi du lịch, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sớm khắc phục tổn thương do đại dịch; phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư công; phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động; hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển thị trường lao động; cải cách thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước... Về truyền thông, tập trung thông tin, tuyên truyền về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; lan tỏa thông điệp “3 chủ động” (Nhà nước, doanh nghiệp, người dân chủ động). 

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới còn tiếp tục, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả; phục hồi, phát triển kinh tế trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh bằng giải pháp vắc xin, công nghệ, 5K và các biện pháp có thể.

Theo Thủ tướng Chính phủ, để thực hiện kế hoạch này thì việc lãnh đạo phải tập trung thống nhất, tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm nguồn lực và cán bộ, gắn với giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai; giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và điều chỉnh chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá phù hợp; khôi phục sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nối lại thị trường lao động.

Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Đắk Lắk

Đặc biệt, Chính phủ và các địa phương phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trên tinh thần "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ". Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần tập trung chăm lo công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, phải chuyển từ theo đuổi việc không COVID-19 sang kiểm soát rủi ro và nâng cao năng lực y tế tổng thể từ Trung ương đến địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng: “Bên cạnh thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh thì chúng ta cũng tìm thấy những cơ hội để tự tin, nỗ lực vươn lên, tận dụng cơ hội để phát triển nền kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu, phát triển mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính”.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.