Multimedia Đọc Báo in

Mối lo người lao động rời hệ thống bảo hiểm xã hội

09:01, 28/05/2024

Cuộc sống gia đình gặp khó khăn, mất việc làm khiến không ít người lao động trên địa bàn tỉnh lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi trước mắt cũng như về lâu dài của chính bản thân họ và toàn xã hội.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã giải quyết chế độ hưởng BHXH một lần cho 6.881 người. Trước đó, năm 2023 có 20.344 người hưởng chế độ BHXH một lần, năm 2022 là 13.355 người và năm 2021 là hơn 9.560 người. Từ những con số này cho thấy, tốc độ tăng trung bình về lượng người hưởng BHXH một lần của năm sau luôn cao hơn năm trước, trong khi đó, việc phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH ngày càng gặp nhiều khó khăn, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Nguyên nhân là do tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt trong những năm gần đây nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh nên cắt giảm lao động. Mất việc làm, không có thu nhập, hầu hết các lao động lựa chọn hưởng BHXH một lần; trong đó, phần lớn là lao động trẻ, trước đây làm công nhân ở các tỉnh phía Nam trở về.

Nhân viên thu BHXH huyện Krông Pắc vận động lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (huyện Ea H’leo) trước đây làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 2022, do doanh nghiệp gặp khó khăn, cắt giảm lao động nên chị phải nghỉ việc để trở về quê làm nông. Sau khi nghỉ việc hơn một năm, chị đã đến BHXH huyện để làm thủ tục hưởng BHXH một lần. Chị Hạnh chia sẻ: "Kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu nhờ vào tiền lương, giờ không xin được việc làm mới, trong khi không có khả năng để đóng tiếp nên tôi chọn rút BHXH để trang trải cuộc sống, dù biết rằng thời gian tham gia BHXH của mình mới chỉ được hơn một năm thì số tiền nhận cũng chẳng bao nhiêu".

Bên cạnh những lao động mất việc làm, cũng có lao động xin nghỉ việc tạm thời, sau khi đủ một năm thất nghiệp thì rút BHXH để lấy số tiền đó rồi tiếp tục đi làm lại.

Đơn cử như trường hợp chị Vũ Thị Ích (huyện Ea Kar), trước đây làm công nhân giày da tại một doanh nghiệp ở tỉnh Long An với thời gian tham gia BHXH 12 năm 7 tháng.

Đầu năm 2023, do gia đình gặp khó khăn, chị quyết định nghỉ việc tạm thời để về quê lo cho bố mẹ già và đứa con đang tuổi ăn học. Đến đầu tháng 5/2024, chị đã đến BHXH huyện để làm thủ tục hưởng BHXH một lần.

Mặc dù được cán bộ BHXH tuyên truyền, giải thích lợi ích của việc tham gia BHXH nhưng chị vẫn quyết định rút bởi nhận thấy bản thân là mẹ đơn thân, bố mẹ già đang ốm đau nên cuộc sống khá khó khăn.

Với thời gian tham gia BHXH gần 13 năm, mức lương đóng BHXH bình quân 5 triệu đồng/tháng thì chị sẽ nhận được số tiền hơn 120 triệu đồng. Sau khi nhận số tiền này và lo cho gia đình xong, chị sẽ trở lại công ty cũ xin làm việc.

Chị Vũ Thị Ích (bìa phải) làm thủ tục hưởng BHXH một lần.

Theo ông Vũ Ngọc Toàn, cán bộ tiếp nhận và trả kết quả hành chính, BHXH huyện Ea Kar, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khá nhiều người đến làm thủ tục hưởng BHXH một lần. Với những trường hợp này, trước khi làm hồ sơ, các cán bộ đều tìm hiểu nguyên nhân và tuyên truyền, vận động họ tiếp tục tham gia theo hình thức BHXH tự nguyện hoặc tạm dừng đóng để tìm kiếm việc làm mới rồi tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, số người không rút BHXH chỉ chiếm khoảng 0,2 - 0,3%. Được biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện Ea Kar đã có khoảng 600 người hưởng BHXH một lần.

Thực tế, việc người lao động ra khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng quan tâm, về lâu dài sẽ rất thiệt thòi cho người lao động khi hết tuổi lao động; đồng thời còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong chặng đường thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân thời gian qua.

Với người lao động, thiệt hại của việc nhận BHXH một lần không chỉ là nhận được số tiền ít hơn rất nhiều so với số tiền họ đã đóng mà khi muốn tham gia trở lại sẽ không được cộng nối thời gian mà phải đóng lại từ đầu. Điều đó dẫn đến tình trạng khi hết tuổi lao động thì họ không có lương hưu hoặc vẫn chưa đủ thời gian tham gia để được hưởng lương hưu; nếu có được hưởng thì với mức rất thấp. Đó là chưa kể đến việc nếu không được hưởng chế độ hưu trí, thì cũng không được cấp thẻ BHYT miễn phí để giảm bớt gánh nặng cho con cháu khi chẳng may đau ốm.

Do đó, trước khi quyết định hưởng BHXH một lần người lao động hãy cân nhắc, lựa chọn kỹ, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống khi về già.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.