Multimedia Đọc Báo in

Ðộc đáo áo cưới thổ cẩm

08:53, 28/03/2021

Bằng sự đam mê và sáng tạo, những phụ nữ dân tộc thiểu số đã đưa thổ cẩm ứng dụng vào thiết kế trang phục hiện đại, trong đó có thiết kế áo cưới dành cho cô dâu và vest dành cho chú rể khá mới mẻ, độc đáo.

Chị H’Luin Adrơng (buôn Ju, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) là một nghệ nhân trẻ dệt vải truyền thống với hơn 15 năm trong nghề. Cũng như nhiều nghệ nhân khác, chị luôn đau đáu về việc sẽ tìm cho thổ cẩm một chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, giúp nó có cơ hội phát triển không bị mai một. Có lần tình cờ nghe những bạn trẻ bày tỏ ước mơ được mặc trang phục bằng thổ cẩm dân tộc trong ngày cưới, chị H'Luin bắt tay vào làm thử ngay.

Đôi bạn trẻ  lựa chọn  trang phục  áo cưới thổ cẩm của chị H’Luin Adrơng.   Ảnh:  Nhân vật cung cấp
Đôi bạn trẻ lựa chọn trang phục áo cưới thổ cẩm của chị H’Luin Adrơng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với lợi thế về nguồn thổ cẩm sẵn có, tự dệt được họa tiết yêu thích, lại có nghề may, chị H’Luin đã tự mày mò, học hỏi, thiết kế chiếc áo cưới thổ cẩm cách điệu theo hướng nhẹ nhàng, mềm mại hơn, có thể đáp ứng nhu cầu của đông đảo giới trẻ. Những chiếc váy đầu tiên còn nhiều khuyết điểm nhưng những lời khen, sự ủng hộ của gia đình, khách hàng chính là động lực để chị H’Luin thực hiện những bộ váy cưới thổ cẩm tiếp theo đẹp hơn, ấn tượng hơn và áo vest thổ cẩm khoác ngoài áo sơ mi dành cho chú rể. Theo chị, sự đồng điệu trong trang phục, có đôi, có cặp cũng là một cách tạo ra niềm hạnh phúc, nhất là những cặp đôi trước ngưỡng cửa hôn nhân.

Đã hơn một năm từ khi bắt đầu, đến nay chị đã cho ra mắt hơn một chục mẫu váy cưới bằng thổ cẩm, do sử dụng chất liệu thổ cẩm dệt thủ công nên chi phí khá cao (3 - 5 triệu đồng/chiếc) tùy vào kích cỡ, kiểu dáng. Thế nhưng sản phẩm vẫn được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.

Chị H’Luin cho biết: “Ngoài thổ cẩm của người Êđê, đáp ứng nhu cầu của những cô dâu người dân tộc khác như M’nông, Bahnar… tôi đều nhận thiết kế và may dựa trên thổ cẩm của họ. Đó cũng là điều tôi hằng mong mỏi, mong  nghề thổ cẩm của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy".

Chị H'Nhek Byă chia sẻ về trang phục áo cưới thổ cẩm.
Chị H'Nhek Byă chia sẻ về trang phục áo cưới thổ cẩm.

Hiện nay, những chiếc váy cưới bằng thổ cẩm không còn xa lạ với khách hàng và những người yêu thích thời trang. Chị H'Nhek Byă (buôn Ea Yông B, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) làm nghề trang điểm cô dâu cũng đã nhiều năm gắn bó với áo cưới thổ cẩm. Chị cho hay, trong thời gian làm nghề thấy nhiều người có nhu cầu thuê, mượn bộ đồ thổ cẩm truyền thống để mặc trong tiệc ăn hỏi, tiệc cưới nên chị đã mạnh dạn mở thêm dịch vụ cho thuê đồ thổ cẩm truyền thống. Ban đầu, chị chỉ mua vài bộ đồ để cho thuê chụp hình, nhưng sau đó thấy công việc này thuận lợi nên đã liên kết với tiệm may tạo ra những bộ đồ thổ cẩm cách tân phù hợp với gu thời trang hiện nay. Đặc biệt, váy cưới thổ cẩm được may theo lối cách tân rất tỉ mỉ, lại có hoa văn đẹp và lạ mắt, phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, nên được rất nhiều đôi uyên ương thuê để chụp hình và mặc trong ngày trọng đại của cuộc đời mình.

Có thể nói, với những ý tưởng sáng tạo độc đáo như trên, các chị đã tìm được một hướng đi mới vừa thỏa đam mê sáng tạo cùng thổ cẩm, vừa có cơ hội duy trì nghề dệt truyền thống.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.