Multimedia Đọc Báo in

Lòng con nhớ mẹ chín chiều ruột đau

06:21, 25/03/2021

Chín chiều

Mẹ ơi, con đã về rồi

Mà sao không thấy mẹ ngồi bên hiên

Như ngày xưa…, mỗi chiều nghiêng

Trông vời lối nhỏ dịu hiền đón con?

 

Sau vườn rụng tím hoa xoan

Ðầu sân cỏ dại ngổn ngang lan dày

Con về thăm mẹ chiều nay

Mắt không dính ớt mà cay quá chừng!

 

Như con chim non xa rừng

Như con nai lạc, như vầng trăng côi

Con tìm mẹ - mẹ xa trời

Như mây như gió qua đồi ngẩn ngơ…

 

 Ngôi nhà thơm tuổi ấu thơ

Ngày xưa xanh nắng, bây giờ xanh rêu

Ruột đau, đau cả chín chiều

Muốn làm con cóc mà kêu thấu trời!

Nguyễn Ngọc Hưng

 

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã viết rất nhiều thơ về mẹ. Với anh, mẹ là niềm thương nỗi nhớ, là lẽ sống của đời mình. Mẹ là ông Bụt, bà Tiên hiện về ban phước lành mỗi khi trái tim đớn đau. “Chín chiều” in trong tập thơ “Lời ru trắng” là một thi phẩm lục bát sâu lắng, thể hiện tình cảm nhớ thương tha thiết của nhà thơ về mẹ khi bà không còn nữa. Bài thơ nhờ thế có được cảm xúc chân thành, tự nhiên, là tiếng lòng bật thốt chứa chan của tác giả.

Bài thơ có nhan đề là “Chín chiều”, có lẽ tác giả lấy ý từ câu ca dao viết về mẹ: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. “Chín chiều” là chín chiều không gian, nhìn đâu cũng thấy trống vắng, buồn thương qua tâm trạng của người con mất mẹ. Vì vậy, nhan đề bài thơ thật lắng đọng, sâu sắc, chứa đựng cả tình cảm, tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc.

Mở đầu thi phẩm là một thán từ hô gọi “Mẹ ơi” da diết và tràn đầy cảm xúc. Sự thông báo “con đã về rồi” như tiếng reo vui háo hức vì sắp được gặp mẹ sau tháng ngày xa cách. Vậy mà tất cả không như con tưởng, mẹ giờ đây đâu còn nữa nơi trần gian. Bên hiên chiều vắng mẹ dịu hiền, ánh nắng nghiêng soi dường như cũng loang phủ một màu đìu hiu, tịch mịch. Một câu hỏi tu từ cuối khổ thơ thứ nhất như vết dao cứa lòng, tột cùng đau đớn:

Mẹ ơi, con đã về rồi

Mà sao không thấy mẹ ngồi bên hiên

Như ngày xưa…, mỗi chiều nghiêng

Trông vời lối nhỏ dịu hiền đón con?

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Mất mẹ rồi, tất cả không gian giờ đây hoang vắng, tàn tạ, trái tim nhà thơ nhìn đâu cũng thấy xót xa khi tìm về ngôi nhà xưa cũ. Trông ra sau vườn, nhìn ở đầu sân, nhà thơ chỉ thấy hoa xoan rụng tím, cỏ dại ngổn ngang. Một nỗi đau tràn ngập tâm hồn được tác giả sử dụng qua hình ảnh thơ “mắt không dính ớt” độc đáo và giàu tính biểu cảm:

Sau vườn rụng tím hoa xoan

Đầu sân cỏ dại ngổn ngang lan dày

Con về thăm mẹ chiều nay

Mắt không dính ớt mà cay quá chừng!

Từ nỗi buồn mất mẹ, đứa con trở về cô đơn, lạc lõng giữa chợ đời được Nguyễn Ngọc Hưng sử dụng nhiều hình ảnh so sánh thật ấn tượng và xúc động. Ngỡ mình như con nai lạc giữa rừng sâu, như vầng trăng côi cút giữa bầu trời vô tận. Dường như thiên nhiên, vũ trụ cũng đồng cảm với tâm trạng con người, tất cả hóa thành mây gió “ngẩn ngơ” qua đồi, qua núi. Nỗi buồn bao phủ không gian, choáng ngợp đất trời khi con tìm mẹ trong mỏi mòn, tuyệt vọng:

Như con chim non xa rừng

Như con nai lạc, như vầng trăng côi

Con tìm mẹ - mẹ xa trời

Như mây như gió qua đồi ngẩn ngơ…

Khổ thơ cuối bài khép lại bằng nghệ thuật đối lập để đẩy nỗi niềm xót xa, cô đơn của tác giả lên đến đỉnh điểm. Ngày xưa có mẹ, ngôi nhà tuổi thơ “xanh nắng”, tràn ngập niềm vui; bây giờ mất mẹ, vẫn mái nhà xưa nhưng rêu xanh, buồn tủi. Đau lòng quá mẹ ơi, chín chiều không gian quay cuồng giông bão, ngập tràn xót xa, nhà thơ thét gào trong cảm xúc nhớ thương tột đỉnh. Muốn làm con cóc mà kêu thấu trời để ông trời hiểu được tâm can của đứa con mất mẹ. Những câu thơ cuối bài nhờ thế cảm xúc thật mãnh liệt, tình ý không còn ở câu chữ nữa mà ta chỉ nghe âm thanh gọi gào đau xót của một trái tim thơ:

Ngôi nhà thơm tuổi ấu thơ

Ngày xưa xanh nắng, bây giờ xanh rêu

Ruột đau, đau cả chín chiều

Muốn làm con cóc mà kêu thấu trời!

“Chín chiều” chỉ có 16 câu thơ lục bát, nhuần nhị về cảm xúc, nhiều hình ảnh sáng tạo, giọng thơ hoài cảm phù hợp với nỗi niềm của một đứa con mất mẹ đang tràn ngập nhớ thương. Vì vậy, có thể xem thi phẩm là nỗi buồn của nhiều nỗi buồn, nỗi nhớ thương của nhiều nỗi nhớ thương, bởi lẽ rồi ai cũng mất mẹ trong đời.

Lê Thành Văn

 


Ý kiến bạn đọc