Multimedia Đọc Báo in

Ðôi điều cảm nhận về sáng tác của các nhà thơ nữ Ðắk Lắk

06:21, 25/03/2021

Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đắk Lắk hiện có 10 nữ hội viên sáng tác thơ. Con số này là không nhiều (như một số Hội tỉnh bạn), nhưng cũng không thể nói là ít.

Có thể kể tên: Lê Thị Minh Nghiệm, Bùi Thị Ngọc Bích, Diệu Thủy, H’Trem Knul, Phúc Đinh, Đàm Lan, Bích Xoan, Trần Thị Uyên, Nguyệt Ánh, Lâm Hạ... Trong số đó, Lê Thị Minh Nghiệm, Diệu Thủy, Bùi Thị Ngọc Bích, H’Trem Knul chừng 5 - 10 năm nay hầu như không còn sáng tác nữa, có người gần như đã “chia tay” với thơ. Những người đang sáng tác khá đều đặn, khoảng một, hai năm lại cho ra đời 1 – 2 tập thơ là Đàm Lan (với “Trầm ca”, “Bâng khuâng tứ tuyệt”), Bích Xoan (với “Gửi nắng qua sông”, “Cung trầm”, “Lẽ đời”, “Sóng sánh cao nguyên”), Trần Thị Uyên (với “Tình Sêrêpôk”, “Rét mật Tây Nguyên”). Mới chỉ có tập thơ đầu tay nhưng báo hiệu sẽ có những tập mới xuất hiện là Đinh Thị Phúc (tác giả của “Ngàn con mắt gió”), Nguyệt Ánh (tác giả của “Gọi về miền nhớ”). Người chưa in thơ thành tập, nhưng gần đây sáng tác thơ khá nhiều và có thơ in trên một số tạp chí “tên tuổi” là Lâm Hạ.

Nhìn chung, thơ của các cây bút nữ Đắk Lắk chủ yếu xuất hiện trên mạng xã hội Facebook, trên tạp chí Chư Yang Sin của Hội VHNT tỉnh, một số tạp chí, báo các tỉnh bạn và một số website, báo điện tử. Số tác giả nữ có thơ in trên các báo, tạp chí chuyên về VHNT có uy tín như: Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn), Tạp chí Văn nghệ Quân đội, hoặc tạp chí văn nghệ địa phương nhưng được bạn đọc cả nước quan tâm như Sông Hương, Người Hà Nội... còn rất ít, có thể nói là hiếm hoi. Vì sao vậy?  Chúng tôi, một số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chuyên sáng tác thơ và một số cây bút thơ kỳ cựu của tỉnh đã có lần trao đổi với nhau trong một cuộc “tọa đàm tình cờ” ở quán cà phê xung quanh câu hỏi trên; dẫu không văn bản, dẫu chẳng ai đúc rút, tổng kết, nhưng có thể thấy nổi lên mấy vấn đề sau đây:

Một số tác phẩm của các nhà thơ nữ Đắk Lắk.
Một số tác phẩm của các nhà thơ nữ Đắk Lắk.

Về cách thức thể hiện: Hầu hết các cây bút thơ nữ Đắk Lắk dùng lối viết truyền thống quen thuộc để thể hiện những vấn đề cũng đã quá quen thuộc, nhưng không có những sáng tạo mới trong tứ thơ, trong cách dùng từ, không có những cảm xúc mới mẻ, thơ chỉ thiên về kể, tả, ít gợi mở. Vì vậy, đọc thơ họ có cảm giác như đã đọc của ai đó từ bao giờ rồi.  Ví dụ, một tác giả nữ viết về Buôn Ma Thuột như sau: “Buôn Ma Thuột còn nghèo dân trí/ Cuộc sống mưu sinh vất vả trăm bề/ Vào rừng không có đường đi/ Đi đến đâu vén cây vén cỏ...”. Một tác giả khác viết về nghề dạy học: “Làm nghề dạy học thế mà hay/ Thế gian ai cũng gọi bằng thầy/ Hết giờ cần mẫn chăm vườn rẫy/ Lên bục thanh cao trải tháng ngày...”. Rõ ràng đó là những câu thơ chỉ thiên về kể, tả những điều hầu như ai cũng biết, không có gì mới mẻ trong câu chữ, không tạo được cảm xúc cho người đọc.

 Về ngôn ngữ thơ: Ngôn ngữ thơ ca có thể xem là tiêu biểu cho ngôn ngữ văn học, bởi các đặc điểm như tính hàm súc, tính hình tượng, tính gợi mở đa chiều, giàu hình ảnh, sắc màu, nhạc điệu...  Do đó, đòi hỏi ngôn ngữ thơ phải giàu thi ảnh, thi ảnh mới mẻ sẽ gây được sự chú ý của người đọc. Đấy là chưa nói tới một yêu cầu rất cao mà nhà văn Nam Cao đã từng nói là “Ngôn ngữ thơ là ngôn từ, câu chữ được người nghệ sĩ mã hóa, chắt lọc... khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” - đó là thứ ngôn ngữ “độc sáng”.  Đấy cũng là điều chưa được nhiều cây bút nữ Đắk Lắk quan tâm, trăn trở, tìm tòi. Vì thế đọc thơ của họ, ta thấy rất ít thi ảnh, hoặc là thi ảnh khá cũ, mòn. Ví như “tôm cá ắp đầy ghe”, “lời vui như hoa nở”, “nụ nảy mầm chồi hé lá non tơ/ nhựa sống cuộn căng tràn đầy sức trẻ/ thoảng nồng nàn rộn cả trời mơ”... Đó là những hình ảnh thơ, những câu thơ đọc lên có vẻ suôn chảy, nhưng có thể bắt gặp rất nhiều trong thơ xưa và nay nên tạo cho người đọc cảm giác nhàm, khó "đậu" trong trí nhớ. Gần đây chúng tôi thấy vài ba cây bút nữ đã bắt đầu có sự quan tâm đến vấn đề này, nên cách dụng từ, chọn chữ đã có sự đổi mới, câu thơ là “của riêng” của tác giả , lạ và gợi hơn. Ví dụ, Lâm Hạ trong bài “Mưa chiều”: “Mưa chiều/ phố róc rách đổ đầy lòng cơn khát.../người đàn bà quẩy gánh hàng rong tủn mủn/ tất tưởi chìm vào mưa”... Hoặc trong bài “Vẽ đêm” cũng của Lâm Hạ: “Dưới chao đèn/ nụ môi cười rơi rớt/ hôn vào đêm vắng/ hoa giễu cợt/ nỗi buồn tái sinh nỗi buồn/ người tình không trở lại/ gót giày khua giấc chiêm bao/ dưới chao đèn/ ngấu nghiến những câu thơ cháy/ bỏng môi”... Cách dùng từ “tất tưởi”, “rơi rớt”, “tái sinh”, “ngấu nghiến”, “khua” trong các câu thơ trên là khá mới mẻ. Những từ đó không chỉ mang nghĩa gốc mà còn mang thêm sắc thái mới, gợi nhiều cảm xúc cho người đọc. “Gót giày khua giấc chiêm bao” thực sự là một câu thơ hay, không phải ai cũng viết được. Một cây bút khác, 10 năm trước bước đầu đã lưu được dấu ấn trên văn đàn cả nước bởi lối viết giàu bản sắc Tây Nguyên, có nét riêng khá nổi bật là H’Trem Knul; rất tiếc là gần chục năm nay "phòng thơ" của chị đã “cửa đóng then cài”. 

Về nội dung phản ánh: Đa phần các tập thơ của hầu hết các cây bút nữ ở tỉnh ta hiện nay là viết về tình yêu nam - nữ, tình yêu vợ - chồng, chỉ một phần nhỏ viết về mẹ, quê hương và một số vấn đề khác; vì vậy, tính xã hội, đặc biệt là tính tư tưởng không cao, không tạo được sự chú ý của nhiều người. Ngay cả thơ tình yêu của họ cũng thiếu nét riêng trong cảm xúc thương, nhớ, giận, hờn, buồn, đau, nên dễ bị hòa lẫn vào giữa biển thơ tình mênh mông hiện nay. Đinh Thị Phúc là cây bút có những nét riêng nhất định trong cảm xúc và cách dùng từ ngữ (hẳn vì chị viết bằng cảm xúc thật của đời mình), nhưng nét riêng này chưa được thể hiện đậm nét trong sáng tác, vẫn có những bài cảm xúc chông chênh, chưa chín...  

Theo chúng tôi, đó là những lý do chính khiến sáng tác thơ của các nhà thơ nữ Đắk Lắk rất ít khi có mặt trên các các tờ báo văn học uy tín của quốc gia. Đây chính là điều mà Hội VHNT tỉnh cần có những hội thảo, trao đổi nghiêm túc về vấn đề này nhằm giúp các cây bút thơ nữ Đắk Lắk có những sáng tác hay hơn, tạo nhiều dấu ấn hơn trong thời gian tới…

Phan Vũ


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.