Multimedia Đọc Báo in

Qua đỉnh "đèo mây"

08:56, 28/03/2021

Trên con đường thiên lý vào Nam ra Bắc, xuyên qua dải đất miền Trung biển xanh cát trắng, du khách sẽ qua đèo Hải Vân, còn gọi là Ải Vân.

Dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy xuôi đến khu vực giáp giới Thừa Thiên -  Huế - Đà Nẵng bỗng có một nhánh núi sừng sững đâm ngang ra biển. Cách đây khoảng 700 năm, người xưa đã mở đường qua dãy núi hiểm trở này, hình thành nên đèo Hải Vân dài hơn 20 km men theo sườn núi. Đây nổi tiếng là con đường đèo đẹp và hiểm trở vào bậc nhất Việt Nam. Đỉnh đèo cao gần 500 m so với mực nước biển. Đèo Hải Vân một bên là vách núi cao với rừng cây rậm rạp, một bên là vực sâu, biển cả; đỉnh đèo quanh năm mây phủ nên còn được gọi là “đèo Mây”. Vào những thế kỷ trước, vùng núi Hải Vân là nơi hoang dã, hiểm trở, đầy thú dữ với lam sơn chướng khí, việc qua lại đèo Hải Vân thời ấy rất khó khăn. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao: “Đi bộ thì sợ Hải Vân/ Đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”.  

Dấu xưa Đồn Nhất.
Dấu xưa Đồn Nhất.

Từ TP. Đà Nẵng theo Quốc lộ 1A đi về phía bắc chừng 9 km, du khách bắt đầu vượt dốc lên đèo Hải Vân. Đường qua đèo hiện nay rộng rãi, có lan can bảo hiểm kiên cố, với hai làn xe xuôi ngược và nhiều biển báo giao thông... Như một dải lụa ẩn hiện giữa trời mây, non nước, “đèo Mây” ngoằn ngoèo, quanh co, uốn lượn men theo triền núi, có nơi sát biển với vực sâu thăm thẳm. Trên đỉnh cao thường có nhiều mây che phủ, du khách có cảm giác như chìm đắm vào cõi khói sương huyền ảo, chốn bồng lai tiên cảnh. Thỉnh thoảng du khách còn gặp những dòng suối nhỏ chảy róc rách, nước trong vắt, mát lạnh. Ven những con lạch nhỏ thường có rất nhiều cây dương xỉ và các loài hoa rừng khác như sim, mua, trâm ổi, bằng lăng... Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông trong một lần vi hành đã dừng lại trên đỉnh đèo ngắm cảnh, làm thơ. Cảm khái trước cảnh đẹp và sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây, nhà vua đã phong tặng cho đèo Hải Vân tên gọi “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.  Trên đỉnh đèo có một khoảng sân rộng chừng 2.000 m2, là nơi dừng chân thư giãn và ngoạn cảnh của du khách. Bạn có thể uống cà phê, mua đồ lưu niệm, đi bộ vòng vèo lên pháo đài “Đồn Nhất” và tham quan cổng ải Hải Vân có từ thời các chúa nhà Nguyễn, nay đã rong rêu, hoang phế với thời gian. Cũng từ đây, vào những ngày trời quang mây tạnh, du khách có thể thấy rõ toàn cảnh TP. Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà, Cù lao Chàm... ở phía Nam và những bãi cát vàng chạy dài với biển xanh biếc, bao la phóng khoáng ôm lấy làng chài Lăng Cô, đầm Lập An đẹp như bức tranh thủy mạc ở phía Bắc.   

Đèo Hải Vân.
Đèo Hải Vân.

Lúc xe lên đèo, du khách sẽ choáng ngợp và thấy mình vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên kỳ vĩ, bao la. Lúc xuống đèo, xe đổ dốc nhanh, đánh qua những khúc cua tay áo, du khách sẽ thật hồi hộp khi luôn thấy trước mặt mình là những vách đá dựng đứng hay những vực sâu thăm thẳm, hun hút, dưới chân sóng biển đánh vào bờ tung bọt trắng xóa. Tất cả rồi qua đi với cảm giác khoan khoái, nhẹ nhõm khi đã xuống dưới chân đèo. Năm 2000, đường hầm xuyên đèo Hải Vân dài nhất Đông Nam Á hoàn thành. Đèo Hải Vân trở thành con đường dành cho du lịch. Tuy địa hình hiểm trở nhưng nơi đây lại là một điểm tham quan lý tưởng được nhiều du khách ưa thích. Ngay trên đỉnh đèo, bóng dáng của quá khứ vẫn còn đây đó: những cửa ải đèo với vài ụ đất mấp mô, dấu vết của thành lũy xưa, vài lô cốt, những con đường mòn bong tróc nhựa, lỗ chỗ, thời chiến tranh chống Mỹ dẫn lên trạm tiếp sóng. Cửa Ải Vân trông về Thừa Thiên đề ba chữ: “Hải Vân quan”, cửa trông xuống Đà Nẵng đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Ca dao xứ này còn lưu truyền: “Hải Vân non nước hữu tình/Giang sơn một dải quê mình đẹp xinh”…

Hoàng Thám

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.