Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi và nặng lòng với đồng đội

10:00, 31/07/2014
Đó là cựu chiến binh Vũ Trọng Luyến, ở tổ dân phố 6, phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ. Ông quê ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình, tham gia quân ngũ tháng 5 – 1971 và được biên chế vào Sư đoàn 471 chuyên vận tải hàng hóa từ miền Bắc theo đường Hồ Chí Minh vào chi viện cho miền Nam. Năm 1983 ông chuyển ngành và công tác ở Phòng Tài chính thị xã Buôn Hồ cho đến năm 2011.

Năm 1992, trong một lần ra Bắc, ông đem 8 cây vải thiều về thử trồng trong vườn nhà. Mặc dù chăm sóc cẩn thận, nhưng cây trồng được 7 năm mà không cho trái (thông thường là 5 năm) nên ông định chặt bỏ để trồng cây khác. Tuy nhiên, qua học hỏi, tìm đọc các tài liệu, ông phát hiện nguyên nhân cây không cho quả là do đất ở vùng này rất tốt, độ ẩm cao nên phải khoanh vỏ để hãm nước nhằm kích thích cây cho trái. Đến năm thứ 9 thì toàn bộ số cây vải cho trái đều, to, cơm dày và ngọt, ông mở rộng diện tích trồng vải theo hướng chuyên canh. Đến nay, gia đình ông có 4 ha vải thiều, trong đó, 2 ha đã cho thu hoạch, vụ vải vừa qua, thu hoạch được gần 300 tấn, bán đi Sài Gòn thu được gần 1 tỷ đồng. Không chỉ phát triển kinh tế cho riêng mình mà ông còn giúp đỡ một số cựu chiến binh khác ở phường Thiện An và Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ về cây giống, kỹ thuật chăm sóc vải thiều để họ phát triển kinh tế.

Ông Vũ Trọng Luyến xem lại thư gửi  cho các gia đình liệt sĩ.
Ông Vũ Trọng Luyến xem lại thư gửi cho các gia đình liệt sĩ.

Ngoài việc sản xuất, ông Luyến còn thường xuyên liên lạc, cung cấp thông tin về các liệt sĩ an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Buôn Hồ cho gia đình của họ. “Từng vào sinh ra tử ở chiến trường, may mắn sống sót, tôi muốn làm điều gì đó đối với những đồng đội đã bỏ máu xương cho Tổ quốc và mong các anh được yên nghỉ tại bản quán bên gia đình” - người lính già chia sẻ về việc làm của mình. Ông luôn tranh thủ thời gian rảnh rỗi, mang theo giấy bút đến nghĩa trang ghi chép cẩn thận mọi thông tin liên quan đến liệt sĩ như: tên, tuổi, quê quán, đơn vị, năm hy sinh… rồi viết thư gửi về các địa phương. Mỗi lần gửi thư đi, ông đều thấp thỏm không biết thư có đến đúng địa chỉ, gia đình liệt sĩ có nhận được thông tin hay không. Đến nay, ông đã viết 57 lá thư gửi đến quê hương của các liệt sĩ, nhờ đó, nhiều gia đình biết được nơi thân nhân mình yên nghỉ để vào thăm viếng hoặc quy tập về quê. Và niềm vui của ông là mỗi lần chứng kiến những người vợ, người chị, người con liệt sĩ tìm thấy mộ của người thân. Ông kể: có gia đình liệt sĩ ở huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình đã 20 năm đi tìm mộ người thân hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Sau khi nhận được thư của ông, gia đình đã vào thăm viếng và đưa liệt sĩ về quê. Nhìn hình ảnh 2 người con gái của liệt sĩ khóc bên mộ người cha anh dũng chỉ được nghe qua lời kể của mẹ, người lính già như ông cũng không cầm được nước mắt. Cũng có gia đình nhận được thư và biết thông tin về người thân, nhưng không có điều kiện thăm viếng. Đó là trường hợp của liệt sĩ Phạm Thị Cúc, quê ở huyện Quảng Xương – Thanh Hóa, người y tá của đơn vị ông năm xưa. Ông cho biết, liệt sĩ Cúc và 10 đồng đội khác hy sinh ngày 14-3-1975 tại huyện Ea H’leo khi xe vướng mìn trên đường vào tiếp quản Buôn Ma Thuột. Nhiều năm trôi qua, mỗi lần nghĩ đến người y tá gan dạ, đảm đang đã từng chăm lo cho mình và các chiến sĩ ly nước, viên thuốc khi sốt rét giữa rừng, nhưng giờ đây lại không được yên nghỉ tại nơi chị sinh ra, bên gia đình tim ông lại nhói đau. Cũng có trường hợp thư bị trả lại do địa chỉ ghi trên bia mộ không chính xác hoặc địa chỉ đã thay đổi khiến ông rất buồn. Ông Luyến tìm cách xác minh lại địa chỉ và gửi lại thư với mong muốn gia đình liệt sĩ biết được thông tin về người thân. Các gia đình liệt sĩ từ các tỉnh xa đến Buôn Hồ thăm viếng, đưa mộ liệt sĩ về quê đều được ông giúp đỡ về nơi ăn ở, đi lại và các giấy tờ thủ tục liên quan.

Trong số những liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Buôn Hồ, có nhiều người trước đây là đồng đội của ông. Mỗi lần gặp người thân các liệt sĩ này, ông đều kể về những ngày tháng gian khổ nhưng oanh liệt trên chiến trường năm xưa để họ thêm tự hào và trân trọng sự hy sinh anh dũng của chồng, cha, em mình. Không những thế, mỗi dịp lễ, tết, ông cùng đồng đội thường xuyên tổ chức thăm viếng để thể hiện lòng tri ân với các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ trên mảnh đất quê hương thứ hai của mình.

Minh Chi

 


Ý kiến bạn đọc