Multimedia Đọc Báo in

Điện toán đám mây: Còn khá dè dặt

17:02, 16/10/2011

Từ đầu năm 2011, các đại gia công nghệ trên thế giới như: Apple, Google, Amazon... đã triển khai các dịch vụ nội dung trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM), một số miễn phí, một số thu phí. Mới đây, các ứng dụng trên nền tảng đám mây được Amazon sử dụng như một vũ khí cạnh tranh để hút người dùng đến với Kindle Fire. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc sử dụng công nghệ này vẫn đang còn khá dè dặt...

Các hãng lớn đua tranh
Đầu năm nay, Apple công bố ứng dụng iCloud, gói dịch vụ nội dung trên ĐTĐM. Nói một cách dễ hiểu, iCloud sẽ có nhiệm vụ lưu trữ và đồng bộ nội dung giữa các thiết bị của Apple của người tiêu dùng. Khi người sử dụng thiết bị iPhone muốn cập nhật một bài hát mới trên iStore hay có đoạn phim, tin nhắn... trên chiếc iPhone, những nội dung trên sẽ tự động được cập nhật vào kho của người dùng trên ĐTĐM. Sau đó, những thiết bị của họ có như iPod, Macbook, iPad... sẽ được tự động cập nhật những nội dung này theo hình thức tự động và không phải trả phí như trước đây. Hiện nay, Apple tặng mỗi thuê bao 5GB miễn phí, còn nếu dùng quá mức dung lượng trên (theo gói dung lượng: 10, 15GB...) sẽ phải trả tiền.

Amazon cũng có nhiều dịch vụ trên ĐTĐM, như Cloud Drive hay Cloud Player. Nhà bán lẻ này sẽ giúp cho người sử dụng các thiết bị của chính họ được cập nhật và chia sẻ thông tin giữa các thiết bị, không còn dùng đến những thủ pháp truyền thống như trước đây. Hiện nay, Amazon cho mỗi người dùng 5GB miễn phí. Nếu vượt mức dung lượng trên sẽ trả phí 1 USD/ GB/năm. Khi Kindle Fire được giới thiệu trên thị trường, Amazon biến nó trở thành một thiết bị có sức hấp dẫn không chỉ bởi giá 199 USD, thấp hơn nhiều so với iPad, mà còn là khả năng khai thác kho dữ liệu sách, phim, nhạc. Dĩ nhiên, các kho này sẽ được cung cấp trên kho tàng đám mây. Kindle Fire còn được trang bị phần mềm Whispersync mà Amazon sử dụng để công nghệ tự động đồng bộ nội dung có trong thư viện của Amazon, từ sách điện tử cho đến nhạc, phim…

Nokia, BlackBerry, Samsung đã phát triển các sản phẩm có những công nghệ hỗ trợ các dịch vụ chạy trên nền công nghệ ĐTĐM nhưng chưa có công bố dịch vụ.

Vẫn còn trạng thái khởi động
Tại hội nghị của các CIO 2011 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Dương Dũng Triều, giám đốc điều hành công ty cổ phần hệ thống thông tin FPT (FPT IS), cho rằng năm 2015, công nghệ ĐTĐM mới được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Trước mắt, các nhà cung cấp công nghệ ĐTĐM tại Việt Nam đang trong giai đoạn thuyết phục các nhà cung cấp nội dung số, các nhà mạng Việt Nam triển khai dịch vụ trên nền tảng công nghệ đám mây. Đại diện một tập đoàn phát triển công nghệ ĐTĐM có mặt tại Việt Nam cho rằng, các hãng viễn thông Việt Nam còn quá rụt rè trong việc triển khai những gói dịch vụ nội dung trên nền công nghệ mới. Ông Mai Trọng Bá, phòng phát triển sản phẩm của Samsung Việt Nam (Savina) nói: “Các nhà mạng có nhiều ưu thế để dẫn dắt người tiêu dùng tham gia sử dụng công nghệ ĐTĐM: làm chủ đường truyền, quản lý thuê bao... Hiện nay họ đã có công nghệ 3G càng thuận lợi cho việc phát triển các gói nội dung trên nền tảng công nghệ mới. Nếu nhà mạng nào tiên phong ứng dụng công nghệ ĐTĐM trong việc cung cấp nội dung số sẽ thành công hơn”.

Do phương thức kinh doanh nội dung số chủ yếu đến từ các nhà cung cấp nội dung, nên các nhà mạng chưa quan tâm nhiều tới nền tảng công nghệ. Trong khi đó, bên cung cấp nội dung lại bị bài toán đầu tư cản trở. Cứ loay hoay bài toán “con gà và quả trứng” như vậy, nên ứng dụng công nghệ đám mây ở Việt Nam dù có nhiều ưu điểm, vẫn phải chờ đợi. Trong khi đó, người dùng đã và sẽ làm quen với các ứng dụng do nước ngoài cung cấp từ Google docs, cho tới nhạc, phim do Amazon cung cấp.

Đại diện một nhà mạng cho biết, nhiều nhà mạng di động tại Việt Nam đã có chiến lược phát triển dịch vụ chạy trên ĐTĐM nhưng trước mắt, đang chạy thử nghiệm một vài ứng dụng. “Chúng tôi chưa có một gói dịch vụ nội dung số hoàn chỉnh trên ĐTĐM nên chưa thể giới thiệu rộng rãi với người tiêu dùng. Hãy chờ thêm thời gian”, vị đại diện này nói.

Theo nhận định của giới chuyên môn, dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) sẽ trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam vào 2015. Dự báo, mức tăng trưởng trung bình của ĐTĐM của khu vực là 33% còn riêng với Việt Nam có thể sẽ cao hơn vì đang trong giai đoạn khởi đầu. Hiện tại, Bộ Tài Nguyên Môi trường và một số bộ ngành, địa phương đã áp dụng công nghệ này. Là đơn vị đã hợp tác với IBM để xây dựng cơ sở nền tảng ĐTĐM cho TP.HCM, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, ĐTĐM giúp QTSC quản lý chuyên nghiệp và an toàn hơn, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí. Ông khẳng định, đây sẽ là mô hình tốt để nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Dù rằng đã được Chính phủ ủng hộ nhưng việc áp dụng ĐTĐM vẫn gặp không ít khó khăn. Lý giải cho sự rụt rè, e ngại ở nhiều nơi, ông Dũng cho rằng, nhận thức chính là rào cản lớn nhất cho việc ứng dụng ĐTĐM. Nó thể hiện qua cách thức thay đổi quản lý về sử dụng ngân sách, về an toàn thông tin bởi quan niệm của nhiều người cứ là giữ trong người là an toàn, đưa cho người khác là không an toàn. Hiểu một cách nôm na là gửi dữ liệu vào ĐTĐM tựa như mang tiền trong nhà gửi vào ngân hàng. Một số ý kiến lại cho rằng, ĐTĐM không hẳn đã hoàn hảo khi trong quá trình hoạt động có thể gặp một số rủi ro như sự cố liên quan đến máy chủ gây gián đoạn truy cập, chất lượng dịch vụ lưu trữ, sự phá sản hay ngừng hỗ trợ từ nhà cung cấp dịch vụ… Do đó, thay vì cách tiếp cận riêng lẻ, các doanh nghiệp khi ứng dụng ĐTĐM cần phải có một chiến lược toàn diện. Về quản lý nhà nước, Bộ Thông tin-Truyền thông đã và đang nghiên cứu để có những chính sách, cơ chế pháp lý thúc đẩy phát triển ĐTĐM, có phương pháp ứng dụng hiệu quả vào thực tế phát triển kinh tế-xã hội.

(Theo SGTT TBKTVN )

Ý kiến bạn đọc