Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh “họa nhiều hơn phúc”

17:01, 16/10/2011

1. Bộ nhớ trợ giúp máy tính
Tiến sĩ, giáo sư y sinh tại ĐH Southern California, Los Angeles,  kiêm Giám đốc Trung tâm kỹ thuật thần kinh Mỹ, Theodore W. Berger đã bỏ ra trên một thập kỷ để thực hiện một phát minh "chẳng giống ai" là tạo ra một bộ nhớ hỗ trợ cho máy tính (Computer Assisted Memory)  hay bộ não trợ giúp bằng chip (chip-assisted hippocampus). Liên quan đến đề tài này, con người đã phát minh và sử dụng dưới dạng nạp ảnh và lưu giữ số liệu, nhưng mới còn ở giới hạn hẹp. Mục đích của nghiên cứu  trên là biến thế giới chúng ta thành thế giới số vĩnh viễn. Cái lợi thì được tán dương nhưng hệ lụy của nó thì chưa lường hết, nhất là khi con người đã lệ thuộc hoàn toàn vào bộ nhớ trợ giúp máy tính, một khi bị kẻ thù đánh cắp được chip và biến bộ não thành trống không thì thế giới sẽ ra sao, nhất là trong bối cảnh an ninh mạng đang bức xúc như hiện nay, và nghiêm trọng hơn nếu chip rơi vào tay bọn khủng bố.

2.Ra đời viên thuốc Love Pills
Love Pills hay Anti-Love Pills (thuốc yêu hay kháng yêu) do một nhà khoa học người Mỹ có tên là tiến sĩ thần kinh Young phát minh. Mục đích của viên thuốc này là kéo dài sức khỏe tình dục hoặc gây tắt dục ở con người mà vị tiến sĩ nói trên đã thử nghiệm thành công trên chuột đồng. Theo Young, quá trình yêu hay ngừng yêu được thực hiện bằng cách kích hoạt hoặc phong bế một số loại hóa chất nhất định có trong não động vật, giống như Oxytocin trong quá trình kích hoạt gây hiệu ứng tích cực ở con người. Hệ lụy của viên thuốc này người ta chưa lường hết, song người ta lo lắng nó làm tăng nhịp tim. Riêng viên thuốc chống yêu có thể gây nguy hiểm cho con người bởi nó làm thay đổi quá trình phát triển tự nhiên, chuyển từ trạng thái yêu sang ghét, xa lánh nhau giống như căn bệnh có tên là Hội chứng Stockhom (chuyển ghét thành yêu) và nhiều hệ lụy khác, nhất là nghĩa vụ sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống bị bỏ bê.

3. Não nhân tạo
Não nhân tạo (Artificial Brain) là dự án được xem là  đầy tham vọng, không khác gì dự án HAL 9000 hay IRobots, do các chuyên gia Phân ban Blue Brain Project (Dự án xanh) ở TED Oxford của Anh thực hiện. Theo giáo sư Markran, giám đốc phân ban thì đây là dự án đầy tiềm năng đã và đang được thực hiện trên chuột. Cũng theo giáo sư Morkran, dự án chính thức được khởi động năm 2005 nhằm giải mã những bí mật của não bộ người, được công ty máy tính IBM và ĐH Bách khoa Lausanne của Thuỵ Sĩ phối hợp thực hiện, sử dụng một siêu máy tính để cho ra đời một bộ não nhân tạo. Do đã thử nghiệm thành công trên chuột nên giáo sư Markran tự tin khẳng định sẽ hoàn thành dự án trong vòng 10 năm tới. Đánh giá về dự án, nhiều nhà khoa học cho rằng nó sẽ mang lại "họa nhiều hơn phúc", bởi não người nặng chỉ có 1,5 kg nhưng lại có tới trên 1.000 tỷ nơron thần kinh liên kết, xử lý tốc độ nhanh gấp hàng trăm lần một siêu máy tính, bởi vậy não nhân tạo khó có thể thay thế được điều này. Ngoài ra, còn có những điều con người chưa lường hết, trong đó có sự bất đồng giữa trí tuệ nhân tạo với trí tuệ sinh học, một khi nó nổi giận, gặp sự cố như trong các trường hợn rôbốt. Con người còn học hỏi từ kinh nghiệm của quá khứ còn rôbốt chỉ là vật vô tri vô giác, do chính con người tạo ra và một khi không được sử dụng đúng mục đích, chưa kể khi bị sự cố hoặc thoái hóa và cả những tai hoạ khó lường mang tính "bất khả kháng" do khách quan gây ra như thảm họa sóng thần tác động đến các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật gần đây là một ví dụ.

4. Dự án Warp Drive
Warp Drive là dự án do hai chuyên gia ở  ĐH Tổng hợp Baylor, Mỹ thực hiện, họ  nuôi ý tưởng có thể ứng dụng việc di chuyển nhanh giống như ánh sáng vào thực tiễn mà không hề phá vỡ bất cứ một quy luật vật lý nào, giống như trong phim viễn tưởng Star Trek. Nhóm đề tài đã đưa ra giả thiết cho rằng bằng cách điều khiển các chiều không gian - thời gian quanh tàu vũ trụ với một năng lượng khổng lồ có thể tạo ra bong bóng năng lượng biến dạng đẩy tàu đi nhanh hơn và đạt tới vận tốc nhanh hơn ánh sáng. Với ứng dụng này, hy vọng sẽ tạo ra một động cơ (Warp Drire) có tốc độ nhanh hơn vận tốc ánh sáng dùng cho ngành du lịch không gian và nhiều ứng dụng khác. Phản hồi, nhiều nhà khoa học cho rằng phát minh trên sẽ giết hết con người nếu di chuyển qua các lỗ đen, bởi khi hoạt động với vận tốc cực lớn, các động cơ sẽ tạo ra các bong bóng biến dạng khổng lồ phía sau và khi giảm tốc nó sẽ tạo ra hàng loạt sự cố nguy hiểm, nhất là thay đổi về nhiệt độ, và bị chính lỗ đen nuốt chửng.

5. Khoan bằng ngọn lửa
Một kỹ sư người Mỹ tên là Jared Potter đã nghiên cứu và phát minh ra một cặp thiết bị khoan bằng lửa dùng nhiệt độ cao từ 3.200 đến 7.200oC mỗi chiếc, đủ nóng để đốt cháy mọi thứ trên đường nó đi qua. Các mũi khoan cực nóng này có khả năng xuyên thủng vỏ trái đất mà không gặp trở ngại nào hoặc  không cần phải thay mũi khoan hay bảo dưỡng. Theo giới chuyên môn, ý tưởng nói trên thật tuyệt vời và được xem là cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực công nghệ địa nhiệt, nhưng người ta lại chưa lường hết những hiểm hoạ như núi lửa trào phun, động đất, sóng thần hay những bất ổn khác liên quan đến vỏ trái đất cũng như rất nhiều sự cố khác liên quan đến kỹ thuật và năng lượng địa nhiệt. Điều này đã được chứng minh qua thực tế, theo đó, chỉ cần nhiệt độ không khí nóng lên do biến đổi khí hậu gây ra con người đã phải hứng chịu vô vàn tai ương, chưa kể khi khoan thủng trái đất bằng những mũi khoan cực nóng này.

Khắc Hùng (Theo RPC - 8/2011)

Ý kiến bạn đọc