Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 36 NĂM BÁO DAK LAK RA SỐ ĐẦU (15-1-1976 - 15-1-2012)

Nhờ làm báo, tôi được đi nhiều và nâng tầm hiểu biết

22:54, 14/01/2012

Nghề báo, với tôi là một niềm đam mê ngay từ hồi còn nhỏ. Thời học phổ thông, tôi đã rất thích viết báo tường, viết vì muốn trải lòng mình bởi thấy có rất nhiều điều muốn nói; và nghĩ rằng: biết đâu nhờ làm báo, một ngày được… đi máy bay (?!).

Theo đuổi ước mơ nghề báo, tôi quyết định thi vào một trường đại học báo chí ở miền Trung. Thời sinh viên, sau những buổi ngồi giảng đường, tôi cũng tập tành viết lách, cũng rong ruổi mang ba lô theo bạn bè về những xã vùng xa của địa phương để tập “phóng theo cái sự”. Viết không nhiều, chỉ đôi ba cảm nhận về cuộc sống, nỗi nhớ quê và tình cảm bạn bè, mà chẳng cần biết nó thuộc thể loại nào, bố cục ra sao, nhưng đủ để làm bà mẹ tần tảo ở quê nhà sướng rơn vì thấy con mình… có tên trên mặt báo. Ở lớp, tôi là một trong những đứa hiếm hoi đến từ Tây Nguyên xa xôi, bạn bè đứa nào cũng hớn hở muốn nghe kể về vùng đất có thừa nắng, gió và đầy huyền thoại này. Thế là, bất đắc dĩ tôi trở thành “hướng dẫn viên” không chuyên  để “kéo” tụi nó về với Tây Nguyên. Tôi bắt đầu “lên giọng” kể về một Gia Lai tươi trẻ có Biển Hồ xanh trong, say sưa nói về Đà Lạt - xứ sở mộng mơ, về truyền thuyết hồ Than Thở gắn với  tình yêu dang dở của đôi lứa; kể không biết chán về Kon Tum với nhà thờ gỗ yên bình, bỏ qua thời gian gần trăm năm tuổi vẫn không hề xuống cấp… như một niềm tự hào của người con đất Tây Nguyên vậy! (dù tôi chỉ được biết đến qua sách, báo, đài). Bất chợt, một người bạn trong số đó nói chen vào: Dak Lak của bạn cũng có tháp Yang Prong thuộc huyện Ea Súp hay ra phết! Như bắt đúng cơ sự, gã ta bắt đầu say sưa không biết chán về tháp Yang Prong, nào là đấy là ngôi tháp Chăm cổ duy nhất ở Tây Nguyên, còn có tên gọi tháp Chàm Rừng xanh, thờ thần Siva; gã còn thuộc làu về chiều cao, diện tích của tháp, thời gian xây dựng, thậm chí, nếu chịu khó ngồi nghe kể, chắc gã còn đếm được từng viên gạch xây nên tháp… Tôi ngồi nghe mà xấu hổ đến lặng người. Ea Súp là huyện biên giới xa xôi mà tôi chưa từng đặt chân tới, nói gì đến cái tên tháp nghe khó nhớ đến vậy. Giật mình, tôi tự nghĩ, thế Dak Lak quê mình còn có những thứ gì nữa, sao mình không biết? Ngẫm lại cũng đúng, từ nhỏ đến lớn vì điều kiện không cho phép, tôi chỉ biết có con ngõ trong xóm, ngả đường từ nhà đến trường, tới chợ; xa hơn nữa là một vài xã lân cận nếu nơi đó có bạn bè hoặc người bà con sinh sống. Tuổi hai mươi, bước vào ngưỡng cửa đại học, bị “mất mặt” trước đám bạn mới quen, tôi ấp ủ trong mình một ước mơ lớn bên cạnh ước mơ “thời con trẻ”: quyết tâm đặt chân tới khắp các huyện trong tỉnh.

Tác giả và nhạc sĩ Nguyễn Cường
Tác giả và nhạc sĩ Nguyễn Cường

Ra trường, may mắn được về công tác tại tờ báo Đảng địa phương nơi mình sinh sống, nhớ lại “nỗi nhục” thời sinh viên, tôi quyết tâm “phục thù” bằng cách lặn lội vượt hơn 100 cây số đến xem tháp Yang Prong là gì mà gã bạn ở nơi xa lắc, không dính dáng một chút gì đến Dak Lak “say” đến vậy! Vào đến nơi mới biết, quả không bõ công lặn lội quãng đường gập ghềnh, bụi mù trời: tháp Yang Prong hiện ra hùng vĩ, chứa đầy giá trị văn hóa, chả trách bao nhiêu nhà nghiên cứu, khách du lịch đều tìm đến đây… Công việc làm báo cho tôi cơ hội được đi đây đó, gặp gỡ, giao tiếp với nhiều người, giúp tôi mở mang kiến thức. Từ nhiều điều thú vị từ mảnh đất Ea Súp, cộng với yêu cầu của công tác, niềm đam mê và ước mơ một thời thôi thúc, tôi tiếp tục đi đến nhiều địa phương khác trong tỉnh. Mỗi nơi tôi đến, mỗi con người dù nổi tiếng hay bình dị mà tôi gặp, đều ẩn chứa bao điều hay, cho tôi thêm những giá trị sống. Về xã vùng 2 Cư M’gar của huyện Cư M’gar tôi gặp được người thầy giáo bao nhiêu năm trèo rừng, vượt suối, cõng chữ về buôn, mang ánh sáng văn hóa đến với đồng bào vùng sâu; đến xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) - vùng căn cứ H11 năm xưa - nghe những bà, những bác trong buôn làng Ê đê kể chuyện về một thời oanh liệt nuôi giấu cán bộ, bảo vệ bộ đội; hay khi đặt chân đến huyện Krông Pak gặp gỡ những người nông dân chân lấm tay bùn, vẫn ngày ngày cần mẫn cày cuốc, để nuôi cái chữ cho con v.v… Có thể nói: mỗi một miền đất đã qua và những nơi chưa đặt chân tới, quả có rất nhiều điều thú vị đang chờ tôi.

Nhờ làm báo, tôi được biết nhiều địa phương trong tỉnh, thỏa niềm mong ước bấy lâu. Và biết đâu, nhờ làm báo, một ngày nào đó, tôi được đi máy bay thì sao? Chưa biết ước mơ “một thời con trẻ” liệu có thực hiện được hay không, nhưng dễ thấy một điều rằng “lửa nghề” và trách nhiệm của người cầm bút: đi nhiều, viết nhiều - đang thôi thúc trong tôi từng ngày…

Nghề báo đã cho tôi cơ hội được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhân vật nổi tiếng và giúp mở mang kiến thức...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc