Multimedia Đọc Báo in

Mỗi năm Việt Nam có 400.000 người chết do bệnh không lây nhiễm

11:11, 11/05/2017

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hằng năm, các bệnh không lây nhiễm đã cướp đi mạng sống của khoảng 400.000 người Việt Nam.  

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm như: Đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, các bệnh rối loạn tâm thần, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… không những ảnh hưởng đến tuổi thọ, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh phổi mạn tính và mỗi năm có khoảng 120.000 ca mắc mới ung thư.

Mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nhưng tình trạng gia tăng các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang báo động: 70% trường hợp tử vong hằng năm là do bệnh không lây nhiễm, trong số này có đến 40% tử vong trước 70 tuổi.

Bệnh nhân ung thư điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân ung thư điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ông Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết: Có 4 yếu tố nguy cơ phổ biến hình thành bệnh không lây nhiễm, đó là hút thuốc lá, sử dụng rượu bia ở mức có hại, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực. Những điều này dẫn đến các thay đổi về chuyển hóa trong cơ thể, gây thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tăng lượng đường trong máu, từ đó phát triển thành bệnh.

Qua khảo sát cho thấy, hơn một nửa người trưởng thành ở nước ta ăn ít rau, trái cây so với mức khuyến cáo của WHO (tối thiểu là 400 g mỗi ngày); hơn 30% người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Thế nhưng, lại có tới một nửa nam giới trong độ tuổi trưởng thành thường xuyên hút thuốc; 77% nam giới trưởng thành uống rượu bia, trong đó 44% số người uống rượu bia ở mức nguy hại. Trung bình người Việt ăn 9,4 g muối/ngày, gần gấp đôi mức khuyến cáo của WHO, cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc bệnh tim mạch, đột qụy.

Kim Oanh (nguồn chinhphu.vn)
 


Ý kiến bạn đọc