Multimedia Đọc Báo in

Nan giải bài toán kinh phí trong điều trị HIV/AIDS

12:31, 12/11/2016

Năm 2017 là thời điểm các dự án viện trợ quốc tế cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Đắk Lắk sẽ chấm dứt, người bệnh HIV/AIDS thay vì được miễn phí hoàn toàn trong điều trị ARV như trước đây thì phải trả chi phí điều trị.

Hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều người bệnh tâm sự rằng họ không có khả năng chi phí cho việc điều trị nếu phải bỏ tiền để chi trả cho việc điều trị ARV. Điều này đang đặt ra vấn đề hết sức nghiêm trọng: người nhiễm HIV bỏ điều trị sẽ sớm chuyển sang giai đoạn AIDS và nhanh chóng dẫn đến tử vong; tỷ lệ người nhiễm HIV kháng thuốc sẽ tăng cao, gây khó khăn và tốn kém gấp nhiều lần để điều trị so với HIV chưa kháng thuốc.

Khám bệnh định kỳ cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS.
Khám bệnh định kỳ cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nếu phát hiện sớm và tuân thủ điều trị thuốc ARV thì có thể duy trì sức khỏe tốt như những người bình thường, thậm chí nhiều người có thể sống được 20-30 năm. Hiện nay, tại Đắk Lắk đang điều trị ARV cho hơn 500 bệnh nhân, tất cả đều được điều trị miễn phí từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và chính phủ. Phần lớn các bệnh nhân được điều trị phác đồ bậc 1 với chi phí khoảng hơn 3 triệu đồng/bệnh nhân/năm. Nếu số bệnh nhân này bỏ thuốc dẫn đến kháng thuốc thì giá thành điều trị sẽ tăng lên gấp 7-8 lần và dịch HIV/AIDS sẽ khó kiểm soát.

Đa số người nhiễm HIV là người nghèo, nhiều gia đình, vợ chồng và các con của họ đều bị nhiễm HIV cần được thường xuyên điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội nhưng không có khả năng mua Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho bản thân và gia đình, chưa kể đến những khó khăn về thủ tục trong quá trình làm thẻ BHYT đối với những người có HIV. Thực tế, số người nhiễm HIV có thẻ BHYT hiện chỉ chiếm khoảng 30%.

Theo tính toán, chi phí điều trị thuốc ARV cho mỗi bệnh nhân khoảng 300.000 đồng/tháng. Đây không phải là số tiền quá lớn nhưng vẫn là khoản chi phí quá sức đối với nhiều bệnh nhân nhiễm HIV. Do đó, việc bỏ điều trị rất có khả năng xảy ra.

Việc điều trị ARV phải được tiến hành liên tục và suốt đời, nếu bị gián đoạn hoặc dừng lại cũng đồng nghĩa với việc chúng ta khó có thể kiểm soát được sự bùng phát dịch HIV trong cộng đồng. Có thể nói, nguồn kinh phí cho điều trị HIV/AIDS hiện là vấn đề nan giải nhất, cần có các giải pháp tổng thể để có nguồn tài chính bền vững cho thuốc ARV.

Thiết nghĩ, để giải quyết khó khăn này, trước mắt Nhà nước cần tăng chi ngân sách hằng năm để mua thuốc ARV, bảo đảm các bệnh nhân đang điều trị ARV được duy trì liên tục. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng triển khai chi trả khám, chữa bệnh HIV/AIDS từ nguồn BHYT, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT.

Một tin vui là mới đây Bộ Y tế đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT; giao Sở Y tế rà soát và các ngành liên quan tổng hợp danh sách người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT trên địa bàn đang được quản lý tại các cơ sở y tế, các Trung tâm thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ sở khác; tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV; huy động kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS. Hy vọng những công tác nói trên sớm được triển khai để đạt được mục tiêu 100% người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT. 

 

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.