Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp

08:05, 12/12/2012

Viêm đường hô hấp cấp là bệnh thường xảy ra, dễ mắc bệnh nhiều lần trong năm nên ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh. Sự chênh lệch nhiệt độ buổi trưa với nhiệt độ sáng sớm và chiều tối ở Tây Nguyên cao là điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp vào cơ thể như bệnh viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm amidal… Trẻ em, người già, người có tiền sử các bệnh mãn tính là những đối tượng dễ bị biến chứng khi mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.

Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho, hay gián tiếp lây truyền qua tay, dùng chung khăn, các đồ uống của người bệnh. Bệnh dễ lây trong các môi trường tập trung đông người như nhà trẻ, lớp học, bệnh viện, các phương tiện di chuyển tập thể, siêu thị… Đặc biệt, đối với những trẻ khi sinh ra nhỏ hơn 2.500g, trẻ suy dinh dưỡng, không được nuôi bằng sữa mẹ, sống trong môi trường khói bụi, vệ sinh kém… hoặc gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn cũng là một yếu tố dẫn đến nguy cơ trẻ hay bị bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Bệnh viêm đường hô hấp chủ yếu do vi rút gây nên, thường có dấu hiệu khởi phát nhanh, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: sốt, ho, sổ mũi ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, đau toàn thân, chán ăn, đôi khi bị rối loạn tiêu hóa; ở trẻ em có thể bị tiêu chảy. Bệnh thường gặp nhiều ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Sau khi nhiễm vi rút, cơ thể người bị nhiễm sẽ tạo ra kháng thể đặc hiệu nhưng thời gian miễn dịch rất ngắn nên dễ bị mắc lại. Phần lớn bệnh cũng sẽ tự khỏi nếu người bệnh được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nặng, bệnh sẽ diễn tiến thành viêm phổi; lúc này bệnh nhân sẽ có những biểu hiện cấp tính như: sốt cao, đau ngực, ho nhiều… có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trong các trường hợp sốt cao do vi rút có thể dùng thuốc hạ sốt. Các nguyên nhân bệnh do vi rút hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị khi không có hướng dẫn của thầy thuốc. Tốt nhất, khi có các dấu hiệu bệnh viêm đường hô hấp, nên đến các cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn điều trị đúng cách.

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khi trẻ có biểu hiện ho, sốt, chảy nước mũi chúng ta có thể chăm sóc trẻ ở nhà. Ví dụ trẻ ho, có thể dùng một số phương pháp đông y như hấp chanh với mật ong cho trẻ uống để trẻ giảm ho. Trẻ sốt chúng ta dùng hạ nhiệt, lau mát bằng nước ấm, cho trẻ uống thêm nhiều nước. Khi trẻ có biểu hiện mệt hơn, trẻ khó thở hơn kèm theo ho, sốt cao, chảy nước mũi nhiều hoặc chảy nước mũi đục cần đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc phòng khám chuyên khoa để được khám, tư vấn và điều trị. Đối với những trường hợp mà trẻ ban đầu chỉ ho, sốt, sổ mũi, nhưng sau đó trẻ có biểu hiện thở rất nhanh, li bì, khò khè nhiều hoặc trẻ nhỏ bỏ bú, trẻ lớn bỏ ăn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp, ngoài việc chủ động phòng tránh bằng cách tiêm vắc xin, mọi người cần có biện pháp tự bảo vệ sức khỏe như: giữ ấm cho cơ thể khi trời lạnh, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất dinh dưỡng, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, hạn chế đến những nơi tụ tập đông người, dùng khẩu trang nếu có tiếp xúc với nguồn lây bệnh, thực hiện tốt nguyên tắc rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.