Multimedia Đọc Báo in

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng 5 năm/lần

10:09, 08/01/2013

Theo Thông tư 62/2012/TT-BGDĐT mới ban hành của Bộ GD-ĐT, từ ngày 15-2-2013, việc kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp được thực hiện theo chu kỳ 5 năm/lần.

Hiện nay, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đối với các đại học, học viện và trường đại học là 5 năm/lần; đối với trường cao đẳng là 4 năm/lần; đối với trường trung cấp chuyên nghiệp là 3 năm/lần.

4 bước kiểm định chất lượng
Thông tư 62 quy định cụ thể quy trình kiểm định chất lượng giáo dục gồm 4 bước: Cơ sở giáo dục tiến hành tự đánh giá; Cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá ngoài với một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và đề nghị xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tiến hành đánh giá ngoài; Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định, công nhận hoặc không công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục có giá trị trong thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp, trong đó ghi rõ tỷ lệ phần trăm số tiêu chí đạt yêu cầu.

Thu hồi Giấy chứng nhận nếu không còn đáp ứng tiêu chuẩn

Thông tư nêu rõ, cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục có trách nhiệm giữ gìn và phát huy kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đã được công nhận trong toàn bộ thời hạn có giá trị của Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục. Nếu không bảo đảm chất lượng so với kết quả đã được công nhận thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị khiển trách, cảnh cáo hoặc thu hồi Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.

Trường hợp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn thời hạn mà cơ sở giáo dục vi phạm pháp luật hoặc không còn đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đề nghị Giám đốc tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quyết định thu hồi Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.

Bộ GD-ĐT cho biết, mục đích của kiểm định chất lượng giáo dục nhằm góp phần bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục; xác nhận mức độ cơ sở giáo dục đáp ứng mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn nhất định; làm căn cứ để cơ sở giáo dục giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.

Nguồn Chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc