Multimedia Đọc Báo in

Vỡ mộng đi Tây...

08:46, 29/12/2020

Tin vào lời hứa đưa ra nước ngoài làm việc và rồi sẽ có cuộc sống giàu sang, nhiều người nhẹ dạ cả tin ở xã Cư M’ta (huyện M’Đrắk) phải ngậm đắng vì “tiền mất, tật mang”.

Sau một năm vất vả làm thuê với nhiều công việc ở Thái Lan, ông Y Sinh Niê ở buôn Phao đã được trở về đoàn tụ với gia đình cách đây 3 tháng. Căn nhà nhỏ của ông giờ đây ấm cúng và rộn ràng tiếng cười hơn.

Tháng 8-2018, Y Kuốt Byă sống ở Canada thường xuyên điện thoại kể về cuộc sống giàu sang của mình bên ấy và khuyên ông Y Sinh vượt biên sang Thái Lan để được tổ chức quốc tế đưa đi định cư ở nước thứ ba. Nhẹ dạ tin vào những lời dụ dỗ của Y Kuốt, ông Y Sinh đã bán toàn bộ nông sản được 25 triệu đồng rồi trốn gia đình đi đến thủ đô Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia).

Từ đây, ông được một phụ nữ tiếp tục đưa vượt biên sang Thái Lan. Nhưng vừa đến nơi, ông đã bị một nhóm người lừa lấy hết tiền, rồi mặc kệ ông ở đất nước xa lạ. Biết mình bị lừa, không có giấy tờ tùy thân và tiền để trở về, ông Y Sinh ngậm ngùi ở lại Thái Lan làm thuê với hy vọng sẽ sớm được trở về nhà. “Thời gian đầu, tôi không dám thuê nhà trọ, cứ sống vất vưởng, ai chỉ gì làm đó, nhưng do không biết tiếng Thái nên việc làm rất bấp bênh, mỗi tuần chỉ làm 1 - 2 ngày. Sau này, tôi cùng với 4 người thuê một phòng trọ nhỏ để có chỗ trú, cuộc sống vô cùng cực khổ, có ngày phải nhịn ăn để tích cóp đủ tiền về nhà”, ông Y Sinh nhớ lại.

Lực lượng chức năng các cấp của huyện M'Đrắk thăm hỏi gia đình ông Y Sinh Niê (giữa) ở buôn Phao  (xã Cư M'ta, huyện M'Đrắk).
Lực lượng chức năng các cấp của huyện M'Đrắk thăm hỏi gia đình ông Y Sinh Niê (giữa) ở buôn Phao (xã Cư M'ta, huyện M'Đrắk).
 

Lợi dụng cuộc sống khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế, từ năm 2002 đến nay, những đối tượng xấu thường xúi giục bà con gây mất an ninh trật tự buôn làng”.

 

 
Ông Rô Y Hin Ksơr, Trưởng buôn Phao, xã Cư M’ta

Tương tự, hai ông Y Gió Mlô và Y Me Byă cũng ở buôn Phao cũng vì cả tin đã bị đối tượng xấu lừa vượt biên sang Thái Lan lấy hết hơn 70 triệu đồng. Ông Y Me kể, tin vào lời hứa sẽ được đưa qua Mỹ làm việc với thu nhập 20 triệu đồng/tháng, ông vội vàng gom hết số tiền gia đình tích cóp được lâu nay hơn 40 triệu đồng để cùng con trai mới 17 tuổi vượt biên trái phép.

Sau khi bị lừa hết tiền, ông và con trai chỉ còn cách ở lại Thái Lan làm thuê kiếm tiền lay lắt qua ngày. Hai cha con thuê một căn phòng 3 m2 và tất cả mọi sinh hoạt từ ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh... đều ở trong đó. Không có việc làm ổn định, nên ăn uống bữa được, bữa mất; thương con nơi đất khách quê người, ông đành “nhốt” con trong phòng trọ. Được bà con buôn làng, chính quyền xã Cư M’ta giúp đỡ, cha con ông Y Me mới được đoàn tụ với người thân. “Được ở nhà của mình, được làm ruộng rẫy, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng tôi thấy an tâm, hạnh phúc so với những ngày cực khổ ở nước ngoài”, ông Y Me xúc động nói.

Ông Y Sinh Niê ở buôn Phao (xã Cư M'ta, huyện M'Đrắk) chuyên tâm trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Ả
Ông Y Sinh Niê ở buôn Phao (xã Cư M'ta, huyện M'Đrắk) chuyên tâm trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế.

Trên địa bàn xã Cư M’ta có 5 trường hợp ở buôn Phao và buôn Ak bị lôi kéo vượt biên trái phép đã trở về địa phương ổn định cuộc sống. Trước tình hình đó, UBND xã đã tiến hành họp dân của hai buôn để kiểm điểm các trường hợp này. Công an xã, Đội công tác 253 cũng đã tổ chức phát động, tuyên truyền, phân tích rõ tình hình, phương thức của các đối tượng lừa đảo… nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân của hai buôn. “UBND xã Cư M’ta còn phân công Ban tự quản buôn thường xuyên quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các trường hợp trên để kịp thời có kế hoạch giúp đỡ. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể hỗ trợ ngày công, động viên, chia sẻ những khó khăn để họ khắc phục sai lầm, hòa nhập với cuộc sống”, Chủ tịch UBND xã Cư M’ta Bùi Minh Trí cho biết.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.