Multimedia Đọc Báo in

Bàn thêm về chủ trương trồng một tỷ cây xanh

08:45, 27/12/2020

Trận lũ lịch sử tại miền Trung vừa qua gây thiệt hại vô cùng nặng nề về sinh mạng và tài sản của người dân.

Để phòng ngừa, hạn chế những thiên tai như vậy xảy ra trong tương lai, đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó, tại phiên họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc đã nêu đề xuất trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới, tương đương với 5 triệu héc-ta rừng và đã nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận. Tuy nhiên, làm sao để trồng rừng mang lại hiệu quả cả về kinh tế và bảo vệ môi trường thì còn nhiều vấn đề cần bàn…

Dễ thấy là những năm gần đây, thiên tai như: lũ lụt, hạn hán… diễn ra với tần suất ngày càng dày và khốc liệt. Một trong những nguyên nhân gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan là biến đổi khí hậu toàn cầu hình thành bởi hiệu ứng nhà kính, nạn phá rừng không kiểm soát, sử dụng nguyên liệu hóa thạch quá lớn và cháy rừng...

Hiện trường sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ảnh: TTXVN
Hiện trường sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ảnh: TTXVN

Chủ trương trồng một tỷ cây xanh có thể giải quyết được vấn đề gì? Đầu tiên, trồng rừng có thể chống sạt lở đất. Rễ cây trong đất giống như những thanh thép chi chít được giằng trong khối bê tông. Mỗi khi mưa xuống, một phần nước sẽ được giữ lại ở lá, một phần được ngấm qua thân, rễ rồi ngấm dần xuống đất. Khi xuống sâu đã tạo thành các mạch nước ngầm. Nước được ngấm từ từ cùng với kết cấu xen kẽ của rễ cây và đất như những tảng bê tông cốt thép bền chặt làm cho đất không bị sạt lở. Bên cạnh đó, trồng rừng giúp nâng cao sinh kế cho người dân. Ngày nay đất trống, đồi núi trọc còn nhiều, việc trồng rừng kết hợp với trồng cây dược liệu hoặc chăn nuôi, trồng trọt các loài cây, con phù hợp dưới tán rừng là hướng đi đã chứng minh được hiệu quả, ví dụ như các mô hình trồng nhân sâm dưới tán rừng ở vùng núi Ngọc Linh (Kon Tum) hay nuôi đại gia súc ở một số vùng miền núi Nghệ An...

Tuy vậy, thực hiện chủ trương này không thể một sớm một chiều mà cần có thời gian và quyết tâm của Chính phủ cùng người dân. Trồng cây gì và cách thức khai thác khi cây trưởng thành cũng là điều cần bàn đến. Trong những cây được chọn thì mít cũng là một đề cử ưu việt vì nó là loài cây lâu năm, cho cả trái và gỗ. Cần hạn chế trồng cây mà có thể khai thác trắng như keo bởi vì vô hình lại làm cho sạt lở đất trầm trọng. Tóm lại, chọn loài cây để trồng cũng là một vấn đề cần quan tâm và đặc biệt chú ý hình thức khai thác khi cây trưởng thành. Chúng ta cần coi những khu rừng đó như một phần an ninh quốc gia, với mục tiêu là bảo vệ vùng sinh thái và hạn chế tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Lê Văn Vượng


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.