Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường xử lý hành vi thông đồng, dìm giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản

14:42, 02/11/2012

Lâu nay trong hoạt động bán đấu giá, tình trạng thông đồng, dìm giá diễn ra phổ biến làm ảnh hưởng đến tính khách quan của các cuộc bán đấu giá. Tại nhiều cuộc bán đấu giá các đối tượng “cò” đấu giá ngang nhiên dàn xếp cuộc bán đấu giá làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thực sự muốn mua tài sản bán đấu giá, làm thiệt hại cho người có tài sản bán đấu giá.

Thông thường trước khi cuộc bán đấu giá diễn ra, các đối tượng “cò” đấu giá thường tập hợp một đội ngũ “cò” để vạch kế hoạch trước nhằm thông đồng, dìm giá gây áp lực đối với tổ chức hành nghề bán đấu giá để trục lợi. Các tổ chức, cá nhân ở tỉnh khác tham gia và muốn mua tài sản bán đấu giá thường bị đe dọa, xúc phạm nhằm ngăn chặn tham gia phiên đấu giá; nếu muốn tham gia thì phải hợp tác với các đối tượng “cò”, sau khi trúng đấu giá thì chia lợi ích cho chúng.

Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính công khai, minh bạch trong hoạt động bán đấu giá, gây mất lòng tin của người tham gia bán đấu giá, làm thiệt hại không nhỏ đến người có tài sản bán đấu giá, đặc biệt là tài sản bán đấu giá của Nhà nước. Các tổ chức bán đấu giá muốn ngăn chặn các hành vi thông đồng, dìm giá thì liên tục bị các đối tượng “cò” viết đơn khiếu nại, tố cáo nặc danh, vu khống, đe doạ… Tình trạng “cò” đấu giá xuất phát từ các nguyên nhân: tài sản được đem bán đấu giá thường là tài sản của Nhà nước như gỗ, tài sản tịch thu do vi phạm hành chính; quyền sử dụng đất thi hành án… được định giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều; khi tổ chức bán đấu giá xuất hiện “cò” đấu giá để trục lợi, hưởng phần chênh lệch. Các quy định về xử lý các hành vi thông đồng, dìm giá đã có nhưng khó tìm được chứng cứ, chưa có quy định xử lý hữu hiệu mạnh và có tính răn đe.

Để hạn chế, góp phần ngăn chặn các hành vi thông đồng, dìm giá hiện nay, xin đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, khi định giá tài sản cần định giá sát với giá thị trường, đặc biệt là tài sản khi tổ chức đấu giá sung công quỹ của Nhà nước. Nếu định giá sát với thực tế thì sẽ không có hiện tượng “cò” đấu giá, người thật sự cần mua mới tham gia đấu giá.

Thứ hai, hạn chế các hình thức đấu giá bằng lời nói và bỏ phiếu, vì qua thực tiễn tổ chức các cuộc bán đấu giá thì các hình thức này có những hạn chế, bất cập, có kẽ hở dẫn đến các đối tường “cò” đấu giá lợi dụng. Thay vào đó cần thực hiện các hình thức đấu giá bỏ phiếu một lần thông qua đường bưu điện, đấu giá qua mạng… tức là tách sự quen biết, móc nối giữa những người tham gia trả giá, như vậy sẽ hạn chế người tham gia trả giá.

Thứ ba, các tổ chức hành nghề bán đấu giá cần phối hợp với lực lượng cảnh sát, bảo vệ và hỗ trợ tư pháp tham gia phiên đấu giá đối với những tài sản có giá trị, có giá khởi điểm lớn, nhiều người tham gia đấu giá. Bởi, nhiều phiên đấu giá những đối tượng “cò” thường lớn tiếng kiến nghị, ra yêu sách như yêu cầu hạ bước giá xuống, nếu không không tham gia bán đấu giá; nhiều trường hợp đấu giá viên truất quyền tham gia đấu giá thì đấu giá viên bị đe dọa, hay có trường hợp đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá ra khỏi phòng đấu giá vì đã bị truất quyền nhưng lại không ra, còn chửi bới, gây rối trật tự công cộng… ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cuộc bán đấu giá. Do đó, sự hiện diện của cảnh sát, bảo vệ và hỗ trợ tư pháp trong những cuộc bán đấu giá nêu trên là hết sức cần thiết.

Thứ tư, cần bổ sung thêm các hình thức người tham gia bán đấu giá bị mất tiền đặt trước trong trường hợp người tham gia đấu giá có hành vi gây mất trật tự trong phiên đấu giá; cố tình không ra khỏi phòng đấu giá khi bị truất quyền, có hành vi đe dọa người tham gia đấu giá và người điều hành bán đấu giá; hoặc có hành vi vận động người tham gia đấu giá không tham gia phiên bán đấu giá để phản đối bước giá do tổ chức hành nghề bán đấu giá quy định…

Thứ năm, cần nghiên cứu ban hành các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá chặt chẽ hơn, không chỉ dừng ở xử phạt hành chính mà là xử lý hình sự đối với một số đối tượng có hành vi thông đồng, dìm giá.

Thứ sáu, tổ chức hành nghề bán đấu giá cần theo dõi những đối tượng “cò” đấu giá tham gia nhiều cuộc bán đấu giá nhưng thực tế không có ý định mua tài sản bán đấu giá mà thực hiện hành vi thông đồng, dìm giá thì lập danh sách báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan công an; đồng thời kiên quyết không bán hồ sơ cho các đối tượng này khi có căn cứ cho rằng những đối tượng này có hành vi thông đồng, dìm giá.

Đỗ Văn Nhân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.