Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn thú y cơ sở

10:13, 25/04/2019

Đội ngũ thú y viên cơ sở là những người gắn bó mật thiết, có tác động lớn đến hoạt động chăn nuôi của người dân. Nhờ họ mà công tác bảo vệ, phát hiện, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại các địa phương kịp thời, nhanh chóng hơn.

Bốn năm trước, anh Lục Văn Hải (SN 1989) tốt nghiệp chuyên ngành Thú y (Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên) về tham gia công tác thú y ở xã Ea Hu (huyện Cư Kuin). Từ lúc này, anh Hải mới cảm nhận được hết những khó khăn, vất vả của nghề. Dù chỉ làm việc bán chuyên trách, phụ cấp thấp, nhưng anh Hải luôn "đầu tắt mặt tối" với việc hướng dẫn người dân tiêu độc, khử trùng, giữ gìn vệ sinh chuồng trại, cấp phát vôi…, vất vả nhất là thời điểm tiêm phòng cho đàn gia súc vì phải đến từng nhà để tiêm phòng.

Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng ở nhà chờ nhân viên thú y cơ sở đến tiêm phòng cho đàn gia súc của mình nên anh Hải phải chủ động sắp xếp thời gian, chủ yếu vào các thời điểm từ 5 - 6 giờ sáng và 17 - 19 giờ hằng ngày. “Ở xã có 3 hộ dân nuôi 9 con bò tại cánh rừng gần xã Cư Êwi, tuy chỉ cách trụ sở UBND xã chừng 3 km nhưng đường rừng rất khó đi. Các hộ chăn nuôi thường thả rông gia súc vào rừng, nên dù đã hẹn trước và cố gắng đến rất sớm nhưng có khi đến 4 - 5 lần chuồng trại vẫn trống trơn, đành phải quay lại vào ngày hôm sau. Đó là chưa kể, các tai nạn nghề nghiệp như bị trâu, bò đá vào người khi đi tiêm phòng xảy ra như cơm bữa”, anh Hải cho hay.

Anh Phan Văn Cường  hướng dẫn người dân xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.
Anh Phan Văn Cường hướng dẫn người dân xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.

Hơn nửa tháng nay, ở xã Ea Hu xuất hiện dịch lở mồm long móng ở heo, công việc của anh Hải lại càng bận rộn hơn. Trước khi dịch bệnh xảy ra, anh Hải như “ngồi trên đống lửa”. Anh đã đi kiểm tra tình hình chăn nuôi của các hộ dân từ sáng sớm, hướng dẫn kỹ người dân cách phòng tránh dịch, đồng thời khi xuất hiện dịch không được giấu mà phải thông báo với chính quyền địa phương để kịp thời xử lý. Dẫu đã cố gắng ngăn chặn nhưng một số ổ dịch trên đàn heo ở xã Ea Hu vẫn xuất hiện, anh Hải luôn phải có mặt ở cơ sở để xử lý dịch bệnh, hướng dẫn người dân cách phòng tránh dịch lây lan; có những ngày phải kiểm tra, xử lý hai ổ dịch ở hai địa điểm khác nhau, đến hơn 20 giờ vẫn chưa về tới nhà.

Không riêng anh Hải, đối với thú y viên cơ sở, dịch bệnh bùng phát là nỗi ám ảnh vì phải làm việc trong môi trường độc hại, có nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt là dịch cúm gia cầm hay bệnh dại chó. Chúng tôi gặp anh Phan Văn Cường (SN 1980) nhân viên thú y xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) khi anh đang mướt mồ hôi vì vừa mới xử lý xong một ổ dịch trên địa bàn xã.

Gắn bó với nghề gần 15 năm, nhiều lần đối mặt với dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, anh Cường hiểu rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống, hạn chế dịch bệnh lây lan. “Mỗi lần đi cơ sở tôi đều nhắc nhở người dân luôn chú ý vệ sinh chuồng trại. Là nhân viên thú y, tôi tiếp xúc với dịch bệnh đầu tiên, do đó nếu đã đi vào khu vực nghi nhiễm dịch, có dịch, tôi luôn mang theo đồ bảo hộ, khử trùng, không tiếp xúc với vùng chăn nuôi khác để hạn chế dịch lan rộng.

Đặc biệt, khi đi tiếp xúc với các dịch bệnh có thể lây sang người như cúm, bệnh dại chó…, mặc dù đã trang bị đồ bảo hộ nhưng tôi đều cẩn thận cách ly, ngủ riêng tránh trường hợp nhiễm bệnh và lây cho người thân”, anh Cường chia sẻ. Làm công tác thú y 15 năm nay, anh Cường có khá nhiều kỷ niệm vui - buồn với nghề, nhưng có một kỷ niệm lúc mới vào nghề mà anh nhớ mãi, đó là khi đi tiêm phòng chó dại, sợ chó cắn, sợ nhiễm bệnh, nhưng nghĩ đến việc lỡ chẳng may một ai đó bị chó dại cắn, nỗi sợ vụt qua mau...

Anh Lục Văn Hải thường xuyên kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi heo ở Ea Hu (huyện Cư Kuin).
Anh Lục Văn Hải thường xuyên kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi heo ở Ea Hu (huyện Cư Kuin).

Chính sự nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, anh Cường đã được người dân địa phương tin tưởng, từ đó hễ vật nuôi của gia đình có việc gì, bà con đều gọi điện nhờ giúp. Đây là nguồn động viên để anh Cường, anh Hải và nhiều thú y viên cơ sở khác gắn bó với nghề, không ngừng cố gắng, tích lũy kinh nghiệm nhằm bảo vệ tài sản cho người dân.

Toàn tỉnh có 254 người hoạt động trong hệ thống thú y cơ sở ở 184 xã, phường, thị trấn. Công việc của thú y viên vất vả, làm việc trong môi trường độc hại, nhưng mỗi tháng chỉ nhận được phụ cấp khoảng 1,3 triệu đồng/người, không được tham gia đóng bảo hiểm.

Thùy Dung

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.