Multimedia Đọc Báo in

Những lá thư nặng trĩu nỗi niềm

08:57, 30/04/2015

Lời xin lỗi qua những cánh thư dù muộn màng, nhưng đầy ý nghĩa, thể hiện tình cảm, thái độ, trách nhiệm của phạm nhân. Cánh thư cũng là cầu nối, góp phần hạn chế và xóa bỏ thù hận, sự kỳ thị, khơi dậy lòng nhân ái, bao dung của xã hội đối với những con người từng lầm đường lạc lối.

Lương tâm luôn dày vò

“Viết thư xin lỗi” là kế hoạch do Tổng cục VIII (Bộ Công an) tổ chức nhằm giúp đỡ, cải tạo, giáo dục phạm nhân trên bước đường hoàn lương, gạt bỏ phần nào mặc cảm day dứt để sớm trở về với cuộc sống đời thường. Thực hiện theo kế hoạch này, cuối tháng 11-2014, Trại giam Dak Tân (Tổng cục VIII) đã sơ kết phong trào, Trại nhận được khoảng 1.500 lá thư do các phạm nhân viết và hàng trăm lá thư hồi âm từ gia đình, thân nhân người bị hại.

Đại tá Lương Xuân Ngợi (Giám thị Trại giam Dak Tân) cho biết: “Sau khi nhận được thư phạm nhân, Trại sẽ xác minh tính xác thực của thư rồi lập danh sách gửi về Đội Giáo dục tổng hợp, những lá thư đạt yêu cầu sẽ báo cáo cho Ban tổ chức xét duyệt, sau đó gửi thư theo địa chỉ phạm nhân cung cấp, kèm theo thư ngõ của Trại và chuyển tới người bị hại, gia đình phạm nhân. Qua đó, kêu gọi lòng bao dung đối với những con người một thời lầm lỗi để họ có thêm động lực, cải tạo tốt”.

Cái ôm hôn thật chặt của người mẹ dành cho đứa con từng lầm lỗi  trong Lễ sơ kết phong trào viết thư.
Cái ôm hôn thật chặt của người mẹ dành cho đứa con từng lầm lỗi trong Lễ sơ kết phong trào viết thư.

Trong bức thư gửi đến người bị hại là anh Đào Ngọc Lợi (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), phạm nhân Võ Văn Thành (Đội 11, Phân trại số 2) thấm đẫm nước mắt: “Chỉ vì một phút nông nỗi và bồng bột của tuổi trẻ mà em đã không kiềm chế được hành động của mình. Em xin lỗi vì đã gây ra sự mất mát về vật chất và tổn thương về tinh thần cho anh và gia đình. Em biết, giờ em có nói gì thì cũng không thể bù đắp lại cho anh được. Lời xin lỗi thật lòng, xuất phát từ trái tim, mong một ngày nào đó anh chị rộng lòng tha thứ và bỏ qua tất cả…”. 

Vì yêu đương mù quáng dẫn đến hành động phạm pháp, giờ đây, phạm nhân Phan Văn Anh (Đội 10, Phân trại số 2) luôn bị ám ảnh bởi tội lỗi đã gây ra. Nhân dịp Trại tổ chức viết thư, Phan Văn Anh đã gửi tới Mơ (huyện Ea Kar) lá thư với tất cả tấm lòng, sự ân hận, dày vò lương tâm, hơn thế là khao khát được Mơ tha thứ: “Tình yêu bồng bột của tuổi trẻ và sự thiếu hiểu biết pháp luật đã làm anh rơi vào vòng lao lý và phía sau đó còn biết bao nhiêu người khổ vì anh. Anh biết mình đã cướp đi tuổi thơ của Mơ, để lại cho em một vết thương lòng… và dù anh có viết ra hàng nghìn lá thư cũng chỉ mong Mơ và mọi người tha thứ, ngày đêm anh vẫn luôn mong chờ điều đó từ em…”.

Trong hàng nghìn lá thư mà Trại nhận được từ phạm nhân, có rất nhiều bức thư gửi thân nhân người bị hại với mong muốn gửi lời xin lỗi và mong được tha thứ. Phạm nhân Đinh Hải Bắc (Đội 17, Phân trại số 2) gửi cho chồng của người bị hại là bà H’Kriết Niê (đã mất): “Hai năm tù rồi cũng qua, cháu sẽ được trả tự do nhưng tòa án lương tâm không tha thứ cho cháu, cháu thấy ân hận và có lỗi thật nhiều. Cháu cảm thấy có lỗi với ông và gia đình ông, cháu biết lỗi của mình gây ra thật lớn, ông đã mất đi một người vợ, các cháu ông mất đi người bà, các con ông mất đi người mẹ… cháu gửi lời xin lỗi chân thành, mong được ông và gia đình tha thứ…”.

Những tưởng bản thân đã trở nên vô cảm, nhưng khi viết thư gửi mẹ, phạm nhân Bùi Xuân Kính (Đội 8, Phân trại số 1) đã bật khóc nghẹn ngào: “Con chỉ biết nhìn mẹ và mẹ khóc. Giây phút ấy con gắng kìm nén cảm xúc nhưng những giọt nước mắt vẫn rơi, nhìn mẹ vậy, con đau lòng lắm! Con áy náy và hối hận vì mình đã gây ra vụ tai nạn ấy, khiến bao nhiêu người phải khổ, phải mất đi người thân và ngay cả con, cho đến nay vẫn không được một ngày thanh thản…”.

Vượt qua hận thù

Những cánh thư nặng trĩu nỗi niềm lần lượt được gửi đi và nhiều lá thư đã nhận được hồi âm. Vài trang giấy mực những tưởng thật bình thường ấy lại là liều thuốc tinh thần giúp phạm nhân thanh thản hơn mỗi ngày. Nhiều lá thư gửi đến thể hiện tính nhân văn cao cả, sẵn lòng xóa bỏ thù hận, tha thứ cho người đã từng gây ra lỗi lầm lớn trong quá khứ. Lá thư vô tình trở thành nguồn động lực lớn lao, như một sự đặc ân khiến cho các phạm nhân vỡ òa trong hạnh phúc lẫn tủi hờn.

Sau khi nhận được thư của phạm nhân Y Khuen Mlô (Đội 25, Phân trại số 1), nỗi đau vì mất con của ông Trần Văn Đông (TP. Buôn Ma Thuột) bỗng nhói lại trong lòng. Khó để quên được chuỗi ngày đau buồn vì mất con, nhưng nghĩ cho cùng, lỗi lầm của Y Khuen cũng chỉ là nhất thời bồng bột. Ông tâm sự: “Nhận được thư của Y Khuen Mlô tôi khá bất ngờ, nỗi đau ngày nào hiện về khiến tôi như chết lặng. Nhưng chuyện qua rồi, có lẽ nên để nó qua, tôi và gia đình sẵn sàng dang rộng vòng tay nhân ái, tha thứ cho Y Khuen vì sự việc xảy ra không ai muốn. Thấy Y Khuen đã trưởng thành, chính chắn, biết ăn năn, hối cải phần nào cũng khiến tôi đỡ đau lòng trước cái chết thương tâm của con trai mình”.

Còn chị HWil  H’Đơk (huyện Krông Ana) từng đau khổ tột cùng trước hành động của phạm nhân Y Lan H’Mok. Tuy nhiên, khi nhận được thư xin lỗi của Y Lan, chị thấy lòng nhẹ nhàng hơn, chị rộng lòng bao dung và động viên: “Anh không phải ân hận nhiều về tội lỗi với Wil nữa đâu, chỉ cần anh sống tốt và gắng phụng dưỡng cho mẹ già. Nhiều lần tôi từng nghĩ đến cái chết nhưng nghĩ lại mình phải sống vì những người yêu thương mình, anh cũng vậy nhé! Giờ đây tôi đã có một người chồng yêu thương và một đứa con xinh xắn…”.

Sự chân thực trong cả thư đi và thư đến đã góp phần giúp phạn nhân vơi đi sự cắn rứt, ân hận trong lòng, đồng thời góp phần xây dựng mối quan hệ giữa trại giam với thân nhân phạm nhân, người bị hại, các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương; huy động sức mạnh xã hội, góp sức giáo dục phạm nhân cải tạo tốt, để sớm hoàn lương, sống có ích cho gia đình, xã hội...

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc