Multimedia Đọc Báo in

Ngành Y tế Dak Lak 40 năm làm theo lời Bác

09:20, 10/03/2015

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm và căn dặn đội ngũ thầy thuốc phải tận tụy, chu đáo và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, đặc biệt "Lương y phải như từ mẫu". Thực hiện lời dạy ấy, 40 năm qua, ngành Y tế Dak Lak đã  không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn và từng bước đi lên theo đà phát triển của y học cả nước và thế giới.

Tăng cường nhân lực,  hoàn thiện mạng lưới

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, toàn tỉnh chỉ có 6 bệnh viện, 76 trạm y tế với 863 giường bệnh; trang thiết bị y tế thiếu thốn; đội ngũ cán bộ y tế mỏng với 31 bác sĩ, 10 dược sĩ đại học và 119 y sĩ... chưa đủ sức đảm nhiệm vai trò bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo thời gian, cùng với sự phát triển chung của toàn tỉnh, ngành Y tế đã không ngừng phát triển cả về nhân lực, cơ sở vật chất và thuốc men để thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đội ngũ chuyên môn có trình độ đại học và trên đại học ngày càng nhiều, phương tiện trang thiết bị, y dụng cụ hiện đại hơn, cơ sở hạ tầng đảm bảo chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 23 bệnh viện, 184 trạm y tế xã, phường, thị trấn với 3.750 giường bệnh. Tổng số nhân lực của toàn ngành đã lên tới 5.646 người, trong đó có 1.077 bác sĩ và 46 Dược sỹ đại học. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, mạng lưới khám chữa bệnh trong tỉnh cũng phát triển theo hướng chuyên sâu; 100% các bệnh viện đã được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa nâng cấp, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Hạ tầng đồng bộ và đội ngũ nhân lực ngày càng tăng cao cả về số lượng và chất lượng là cơ sở để ngành Y tế tỉnh nhà nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hiện nay, các đơn vị y tế  đã triển khai được hầu hết các kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến. Một số đơn vị y tế tuyến tỉnh đã khai thác được nhiều danh mục các kỹ thuật tuyến Trung ương, các đơn vị tuyến huyện cũng đã thực hiện được không ít danh mục kỹ thuật của tuyến tỉnh. 100% bệnh viện tuyến huyện thực hiện được các phẫu thuật cấp cứu và làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó. Với Bệnh viện Đa khoa tỉnh - bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, đến thời điểm này đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, khó, được ngành chức năng và người bệnh đánh giá cao, đó là kỹ thuật nối chi, phương pháp thay máu cho trẻ sơ sinh bị vàng da nhân do bất đồng nhóm máu mẹ, kỹ thuật chạy thận nhân tạo, hay kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn... Song song với việc chú trọng nâng cấp mạng lưới y tế từ tỉnh đến huyện, xã, bảo đảm phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thì việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với quy mô 800 giường bệnh, thiết kế hiện đại, trang thiết bị tiên tiến được xem là điểm nhấn trong lộ trình phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà. Dự kiến khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sẽ là bệnh viện tuyến cuối của khu vực với các dịch vụ, kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu như: phẫu thuật tim hở; can thiệp tim mạch; hồi sức cấp cứu chuyên sâu; phẫu thuật nội soi trên tất cả các lĩnh vực ngoại, sản, nội; điều trị ung bướu, cận lâm sàng chuyên sâu…

Bác sĩ khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) thăm khám cho người bệnh điều trị tại khoa.
Bác sĩ khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) thăm khám cho người bệnh điều trị tại khoa.

Bên cạnh đó, thực hiện phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", lấy Y học dự phòng làm công tác chủ đạo, 40 năm qua, ngành Y tế tỉnh thường xuyên chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh nguy hiểm. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra, số vụ dịch nhỏ lẻ có chiều hướng giảm và đều được phát hiện sớm, khống chế kịp thời. Các Chương trình mục tiêu quốc gia như Tiêm chủng mở rộng, Dân số - kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống HIV/AIDS đều được triển khai đúng tiến độ và có hiệu quả. Đặc biệt, đến nay, Dak Lak đã thanh toán bệnh đậu mùa, bại liệt, bướu cổ và loại trừ bệnh phong với quy mô cấp tỉnh. Đồng thời, một trong những thành tựu khác của ngành Y tế đó là việc thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã. Tính đến hết năm 2014,  toàn tỉnh đã có trên 82% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã, trong đó có 100% trạm y tế có bác sĩ; 100% thôn, buôn, tổ dân phố có nhân viên y tế.

Không ngừng rèn luyện y đức

Nâng cao tinh thần thương yêu người bệnh, thời gian qua, ngành Y tế Dak Lak đã đẩy mạnh phong trào nâng cao y đức trong đội ngũ cán bộ, y bác sĩ và nhân viên y tế. Theo bác sĩ chuyên khoa II Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế: "Lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” là chuẩn mực đạo đức của ngành Y và luôn được ngành chỉ đạo thực hiện ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh với nội dung thiết thực, hiệu quả phù hợp với từng đơn vị, từng lĩnh vực công tác. Cụ thể, chúng tôi đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo chỉ đạo của Bộ Y tế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân đối với chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thông qua đường dây nóng để kịp thời thu nhận và xử lý thông tin; đồng thời giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ thầy thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cùng với đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh phong trào thi đua tiêu biểu “Làm theo lời Bác, cán bộ Y tế: đoàn kết, năng động, sáng tạo, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Y tế hàng năm” và tiếp tục phát động phong trào thi đua nâng cao y đức, thực hiện Quy tắc ứng xử, gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ngành để mỗi cán bộ, y bác sĩ và nhân viên y tế không ngừng phấn đấu rèn luyện, gắn kết "Đức" và "Tài", góp phần đưa sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh phát triển vượt bậc và thu được những thành quả to lớn". Có thể nói, bằng một loạt giải pháp mang tính ưu tiên, trong đó tập trung đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục tư tưởng chính trị, y đức, đội ngũ cán bộ nhân viên ngành Y tế tỉnh ngày càng tận tụy, nâng cao y đức phục vụ nhân dân. Chính từ các cuộc vận động, các phong trào thi đua ấy, trong ngành đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiên tiến điển hình được biểu dương, khen tặng.

40 năm xây dựng từ trong gian khó, ngành Y tế tỉnh đã có những bước đi dài, vừa xây dựng vừa củng cố, chỉnh đốn hoàn thiện. Những nỗ lực đó được Nhà nước, tỉnh và nhân dân ghi nhận biểu dương, đó là phần thưởng cao quý nhất dành cho những người thầy thuốc đang ngày đêm cống hiến vì sức khỏe nhân dân. Tự hào về những truyền thống vẻ vang của ngành, ý thức sâu sắc về trách nhiệm và nhiệm vụ lớn lao mà Bác Hồ đã dạy, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu huy động toàn xã hội tham gia công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh đào tạo cán bộ y tế, huy động các nguồn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất các đơn vị y tế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế ngoài công lập phát triển... bảo đảm đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.