Multimedia Đọc Báo in

Thôn Tân Sơn - điển hình trong công tác dân số ở huyện Krông Pak

09:58, 30/06/2014
Thôn Tân Sơn, xã Ea Knuêk (huyện Krông Pak) được hình thành từ năm 1990 bởi những hộ dân di cư từ các tỉnh phía Bắc vào làm kinh tế như: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Do xa quê hương, ban đầu nhiều cặp vợ chồng có tư tưởng sinh đông con cho “vui cửa vui nhà”. Điều này đã làm cho cuộc sống của nhiều hộ gia đình vốn chưa ổn định lại càng thêm khó khăn.
 
Trước thực tế đó, Ban tự quản thôn Tân Sơn tích cực thực hiện các biện pháp nhằm quản lý tốt số hộ, số nhân khẩu. Chỉ đạo các đoàn thể trong thôn tuyên truyền, vận động người dân tham gia sinh hoạt để nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức các cuộc họp bình xét hộ nghèo vào cuối năm để tìm ra nguyên nhân dẫn đến nghèo đói và tìm cách tháo gỡ. Những trường hợp thiếu vốn sản xuất thì được đề nghị cho vay, được tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, còn những trường hợp nghèo do đông con thì được vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Song song với cách làm đó, Ban tự quản thôn phối hợp với Ban Dân số xã Ea Knuêk tổ chức sinh hoạt định kỳ nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản, các chính sách liên quan đến dân số, gia đình và trẻ em. 
Gia đình anh Đỗ Văn Chung - một gia đình văn hóa tiêu biểu ở xã Ea Knuêk.
Gia đình anh Đỗ Văn Chung - một gia đình văn hóa tiêu biểu ở xã Ea Knuêk.

Bên cạnh đó, cộng tác viên dân số của thôn tích cực phối hợp với các đoàn thể lồng ghép tuyên truyền, tư vấn về các biện pháp tránh thai hiện đại, những nguy cơ của tảo hôn, phân tích lợi ích của KHHGĐ đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đời sống mỗi gia đình. Cộng tác viên dân số thường xuyên rà soát địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, phân nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đến cặp vợ chồng đã sinh 2 con để hướng dẫn và cung cấp các biện pháp tránh thai khi đối tượng có nhu cầu. Với sự nỗ lực của Ban tự quản và cộng tác viên dân số, ý thức của người dân ở thôn Tân Sơn đã chuyển biến tích cực. Từ suy nghĩ thích sinh đông con đã tự giác sinh ít con để chăm sóc và nuôi dạy cho tốt. Hiện nay, thôn Tân Sơn có 78 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó có 80% cặp sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; từ năm 1998 đến nay – 16 năm liền không còn trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.

Ông Phạm Minh Tuấn, Trưởng thôn Tân Sơn cho biết: Nhờ thực hiện tốt KHHGĐ nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong thôn được nâng lên rõ rệt. Số hộ khá giàu chiếm gần 70%, thu nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/năm, 79,8% gia đình văn hóa; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường (năm học 2013-2014 có 14 học sinh đạt học sinh giỏi các cấp), không còn trẻ bị suy dinh dưỡng; năm 2006, thôn Tân Sơn được công nhận là Thôn Văn hóa. Với thành tích 16 năm liền không có người sinh con thứ 3, thôn Tân Sơn trở thành điển hình trong công tác dân số-KHHGĐ ở huyện Krông Pak.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.