Multimedia Đọc Báo in

Qua 2 năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp - vẫn còn nhiều bất cập

09:04, 14/12/2011

Qua 2 năm thực hiện Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) toàn tỉnh đã có 3.155 người lao động được hưởng trợ cấp BHTN, đây là thành công bước đầu trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện BHTN bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập cần điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Người lao động được bảo vệ quyền lợi khi mất việc làm
Ông Lê Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: Tính từ ngày thực hiện Luật Bảo hiểm thất nghiệp 1-1-2010 đến nay, toàn tỉnh có 3.596 người đăng ký thất nghiệp, trong đó có 3.155 người đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài trụ sở chính tại TP. Buôn Ma Thuột, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh còn có 3 điểm sàn giao dịch vệ tinh tại Krông Ana, Ea Kar và Krông Buk. Tại các điểm này, người thất nghiệp có thể đăng ký và nộp các hồ sơ, thủ tục nhanh chóng, thuận lợi hơn. Đồng thời, nếu những doanh nghiệp nào do chuyển đổi hình thức kinh doanh hay sắp xếp lại doanh nghiệp… khiến cho số lượng người lao động thất nghiệp nhiều (trên 10 người) thì Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh sẽ kịp thời cử cán bộ đến tận nơi làm công tác tư vấn và giải quyết chế độ thất nghiệp cho họ.
Chị Nguyễn Thị Hà, một người lao động ở xã Ea Đa, huyện Ea Kar vừa được hưởng chế độ thất nghiệp chia sẻ: Trước đây, công nhân chúng tôi không mấy mặn mà với chủ trương đóng BHTN vì đồng lương vốn đã ít ỏi còn phải bớt đi một phần nữa. Nhưng đúng là không ai biết trước rủi ro và khi được hưởng trợ cấp thất nghiệp tôi mới thấy hết ý nghĩa của việc tham gia BHTN. Với khoản trợ cấp này gia đình tôi không bị rơi vào khó khăn khi mất việc làm và còn được Trung tâm tư vấn, giới thiệu tìm việc làm khác phù hợp với mình…
Tuy nhiên, với những người lao động ở khu vực Buôn Đôn, Ea Súp do chưa có điểm giao dịch nên khi bị thất nghiệp thì việc đi lại làm thủ tục hưởng trợ cấp vẫn còn khó khăn. Và bên cạnh đó là một số bất cập khác cần điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Công nhân làm bánh ở tiệm bánh mì Thành Phát
Công nhân làm bánh ở tiệm bánh mì Thành Phát

Những bất cập cần điều chỉnh
Anh Nguyễn Văn Thịnh quê ở Nghệ An vào làm công nhân cho một mỏ đá ở TP. Buôn Ma Thuột hơn 3 năm nay, tháng 9-2011, do sức khỏe yếu nên không thể làm việc đạt khối lượng được giao, anh bị sa thải. Tuy nhiên, do nửa năm đầu tiên thực hiện BHTN thì chủ mỏ đá cho rằng  lượng lao động chính thức dưới 10 người nên không đóng. Sau đó doanh nghiệp đóng BHTN cho công nhân, nhưng khi bị thất nghiệp anh Thịnh không được doanh nghiệp cho biết đã đủ thời gian hưởng BHTN, mãi sau này nhận được sổ BHXH thì đã hết thời gian đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp… Bất hợp lý đầu tiên là quy định doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động không thuộc diện tham gia BHTN vì lao động làm việc trong những doanh nghiệp này thường có khả năng mất việc làm cao, cần quan tâm hỗ trợ, bảo vệ vì  thực tế nhiều doanh nghiệp loại này thường tìm cách lách luật, không đảm bảo quyền lợi cho người lao động về mặt bảo hiểm.
Tiếp đó là những quy định hiện hành về trình tự, thủ tục đăng ký thất nghiệp vẫn còn khó khăn cho người lao động. Cụ thể, trong vòng 7 ngày kể từ ngày mất việc, chấm dứt hợp đồng, người lao động phải đăng ký thất nghiệp, trong 15 ngày sau đó người lao động phải nộp đủ hồ sơ xin hưởng TCTN bao gồm cả sổ BHXH có xác nhận về thời gian tham gia đóng BHTN. Trong khi, thủ tục chốt sổ BHXH đang là rào cản khiến người lao động khó hoàn tất được hồ sơ. Theo luật BHXH trong vòng 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, cơ quan thẩm quyền mới chốt sổ BHXH cho người lao động. Với quy định này, nhiều lúc người lao động chưa kịp nhận sổ BHXH thì đã đã hết thời gian nộp sổ để đăng ký BHTN.
Ngoài thủ tục hành chính rườm rà, việc ngành LĐ-TB&XH tiếp nhận và giải quyết thủ tục nhưng triển khai thực hiện thì lại thuộc Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm lại gây thêm khó khăn cho người lao động. Hiện, Trung tâm Giới thiệu việc làm xét duyệt, tính toán và thảo quyết định hưởng BHTN; giám đốc Trung tâm ký nháy vào dự thảo; sau đó chuyển lên giám đốc hoặc phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) lấy chữ ký. Đây là việc làm rườm rà, mất thời gian bởi lãnh đạo Sở LĐTB&XH không thể nắm được thông tin cụ thể về việc xét duyệt hồ sơ BHTN. Chưa kể việc chuyển hồ sơ giữa hai văn phòng mất thời gian, đôi khi có thể bị thất lạc...
Việc thu BHTN cũng tồn tại nhiều bất cập. Có khá nhiều chủ sử dụng lao động  không đóng các loại bảo hiểm bắt buộc đúng hạn, khiến người lao động không thể đăng ký hưởng BHTN. Trong khi đó, bộ phận thanh tra thuộc các Sở LĐTB&XH không có đủ nhân viên để giải quyết nợ đọng của chủ sử dụng lao động, ngoài ra còn phụ thuộc vào UBND tỉnh trong việc triển khai thanh tra cũng như quyết định phạt.
Nguyên tắc hoạt động của BHTN là bảo vệ người lao động trong trường hợp thất nghiệp không chủ ý, nhưng trên thực tế đã xuất hiện một số trường hợp lạm dụng chính sách BHTN (từ 12 tháng trở lên) sẽ thôi việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần và đi tìm việc làm mới, lại có cả trường hợp thỏa thuận với doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tham gia BHTN, người lao động được hưởng nhiều quyền lợi như được hỗ trợ tiền mặt, tạo điều kiện học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, hưởng BHXH … Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn số lao động đăng ký và hưởng BHTN chỉ chú trọng đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp mà ít quan tâm đến việc nhận sự tư vấn, giới thiệu việc làm hay được hỗ trợ học nghề. Tính đến hết năm 2011, toàn tỉnh chưa có người thất nghiệp nào tham gia đào tạo nghề…
Trình tự, thời gian đăng ký trợ cấp thất nghiệp quá khó khăn, bất cập về thời gian chốt sổ bảo hiểm xã hội, tình trạng lạm dụng bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan chức năng gặp khó khăn về công tác thu chi… là những vấn đề cần được khắc phục trong thời gian tới để  chính sách thực hiện BHTN thực sự là một lá chắn bảo vệ cho người lao động.

Minh Quân
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.