Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo mới của nông nghiệp Buôn Ma Thuột

05:59, 10/03/2021

Sau 5 năm triển khai Chương trình 6a-CT/TU, ngày 1-6-2016 của Thành ủy Buôn Ma Thuột về việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố (Chương trình 6a) hiện trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. 

Tăng quy mô và chất lượng

Theo đánh giá của UBND TP. Buôn Ma Thuột, nông nghiệp địa phương đã có những chuyển biến tích cực từ quy mô đến chất lượng sản phẩm. Hiện thành phố có 11.308 ha cà phê (tăng 2,81% so với chỉ tiêu đề ra tại Chương trình 6a), sản lượng gần 27.823 tấn (đạt 101,2%), gần 9.967 ha cà phê (sản lượng gần 25.329 tấn) được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; 88,14% nông dân trồng cà phê được tiếp cận khoa học kỹ thuật; 7.685 ha cà phê trồng xen canh, chiếm 67,5% tổng diện tích cà phê toàn thành phố; 65% diện tích dùng phân vi sinh từ việc ủ vỏ cà phê; hơn 8.077 ha cà phê ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm (chiếm 70,52% tổng diện tích cà phê); trong đó 2.549 ha tưới phân cục bộ, 58,7 ha tưới nhỏ giọt, 5.469 ha tưới pép quay lớn… Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đã tăng năng suất 10 - 20%, giảm chi phí nhân công 20 - 25% tùy từng vườn.

Sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột).
Sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột).

Đối với rau xanh, TP. Buôn Ma Thuột có gần 1.832 ha (tăng 35,7% so với kế hoạch), sản lượng 41.220 tấn (tăng gần 18%). Diện tích rau được áp dụng khoa học kỹ thuật là 1.791 ha, sản lượng hơn 40.667 tấn (chiếm 98,6% so với tổng sản lượng rau của thành phố); 1.533 ha sản xuất an toàn với sản lượng tương ứng 34.991 tấn (chiếm 84,89%); có 16 đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP trên 30,35 ha rau, sản lượng tương ứng 1.928 tấn (chiếm 4,68%)…

Đàn heo hiện có 149.509 con (tăng 36% so với chỉ tiêu đề ra), trong đó 147.894 con nuôi theo quy trình chăn nuôi an toàn (chiếm 98,92% tổng đàn); chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh là 103.248 con (chiếm 69,8% tổng đàn). Tổng đàn gà của thành phố hiện nay là hơn 2 triệu con, tăng 60% so với chỉ tiêu đề ra; trong đó 2.058 con thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn, đạt 99% chỉ tiêu. Cơ cấu giống heo, gà có chuyển biến tích cực từ giống truyền thống sang giống lai có năng suất, chất lượng cao…

Đẩy mạnh kết nối chuỗi

Bên cạnh quy mô, chất lượng sản phẩm phát triển, TP. Buôn Ma Thuột đã và đang hình thành các nền móng kết nối và tiêu thụ nông sản.

Năm 2018, thành phố mở một Điểm kết nối và trưng bày các sản phẩm nông nghiệp an toàn tại số 199 đường Lê Hồng Phong (phường Tân Tiến) nhằm kết nối nguồn cung, cầu, giới thiệu và trưng bày sản phẩm với 3 nhóm hàng: sản phẩm kết nối tiêu thụ mạnh gồm: cà phê, hồ tiêu, mật ong, ca cao, trái cây các loại; nhóm tinh nghệ, nấm, các sản phẩm tinh dầu; nhóm sản phẩm tươi sống. Đến nay, đã ký biên bản ghi nhớ với 11 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm chủ lực của thành phố; 46 cơ sở sản xuất tham gia kết nối. Ngoài ra, bản thân các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản cũng tự đầu tư mở 5 điểm kết nối và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Các cấp hội, đoàn thể cũng đã chung tay vận động hội viên tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ với 4 cửa hàng thực phẩm, kết nối 45 sản phẩm nông nghiệp an toàn cung ứng ổn định tại 7 cửa hàng thực phẩm an toàn, 17 doanh nghiệp, nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống, trường học.

Người dân trên địa bàn tỉnh tham quan mô hình nuôi ong an toàn của một hộ dân ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột).
Người dân trên địa bàn tỉnh tham quan mô hình nuôi ong an toàn của một hộ dân ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo bà Phạm Thị Hồng Mong, đại diện Điểm kết nối và trưng bày các sản phẩm nông nghiệp an toàn thành phố thì qua theo dõi diễn biến thị trường cho thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, thương hiệu và mẫu mã sản phẩm. Đây là xu thế tất yếu bởi cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao. Do đó, muốn tồn tại và phát triển buộc phải xây dựng được định hình riêng cho sản phẩm thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ sản xuất trên nông trại đến sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản và bao bì, nhãn mác sản phẩm. Bởi khi thương mại nông sản phải chịu sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu đến từ trong và ngoài nước và chỉ khi hội tụ đủ các yếu tố nói trên mới có thể tiếp cận và thuyết phục người tiêu dùng.

Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng nhận định, nông nghiệp địa phương phát triển trong bối cảnh chịu tác động mạnh của đô thị hóa do đó nâng cao năng suất, chất lượng, tạo đòn bẩy gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế là vấn đề tất yếu để tồn tại và phát triển. Thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua các đề án phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao; phát triển cà phê bền vững; duy trì và phát triển các mô hình rau an toàn, chăn nuôi an toàn sinh học, kết nối nông sản… Đồng thời hỗ trợ thành lập hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác để phát triển các sản phẩm chủ lực làm đầu mối đại diện cho nông dân liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Chương trình 6a đã tổ chức 613 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho 27.532 lượt người tham gia; tổ chức 56 cuộc hội thảo đầu bờ cho 3.744 lượt người tham gia; mở 2 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 64 học viên...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.