Multimedia Đọc Báo in

Bước phát triển vững chắc của kinh tế huyện M'Đrắk

09:50, 28/08/2017

Nằm ở cửa ngõ phía đông của tỉnh, huyện M’Đrắk có 13 xã, thị trấn với 173 thôn, buôn và tổ dân phố; dân số trên 72 nghìn người, gồm 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 46%.

40 năm sau ngày tái thành lập huyện (1977-2017), từ một địa phương có nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, văn hóa - xã hội yếu kém, đến nay huyện M’Đrắk đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, kinh tế có bước chuyển mình đáng kể, đời sống của nhân dân được cải thiện, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ từ huyện xuống cơ sở, thu nhập của người dân được nâng cao.

Trong phát triển kinh tế, huyện M’Đrắk đã phát huy được lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng tạo ra những vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu tạo đà cho phát triển ngành công nghiệp chế biến. Trong đó, tập trung quy hoạch trồng các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: mía, sắn, hồ tiêu, cà phê, ngô và phát triển trồng rừng nguyên liệu. Theo thống kê, đến nay huyện M’Đrắk đã có vùng chuyên canh trên 7.000 ha mía, trên 5.500 ha sắn, trên 600 ha hồ tiêu, trên 2.100 ha cà phê và gần 1.300 ha cao su; đặc biệt là phát triển kinh tế từ rừng trồng, mỗi năm toàn huyện đã trồng mới trên 1.000 ha rừng, đến năm 2017 tổng diện tích rừng trồng lên đến 13.000 ha (chủ yếu là keo), cung cấp phần lớn nguyên liệu cho các nhà máy, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân.

Mô hình trồng vải thiều mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Ea Pil (huyện M'Đrắk).
Mô hình trồng vải thiều mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Ea Pil (huyện M'Đrắk).

Để nâng cao giá trị sản xuất, huyện M’Đrắk đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư tại địa bàn, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản và rừng nguyên liệu. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 3 doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu mía; 3 doanh nghiệp đầu tư Nhà máy tinh bột sắn tại các xã Krông Á, Krông Jing và Nhà máy băm dăm tại xã Cư Króa. Khu công nghiệp cũng đã được đầu tư kết cấu hạ tầng, hiện đã thu hút 3 nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng.

Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện M’Đrắk đạt trên 12%; tổng giá trị sản xuất trên 2.700 tỷ đồng; tổng diện tích gieo trồng trên 33.000 ha; tổng sản lượng lương thực đạt trên 76.000 tấn; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng 543 tỷ đồng; khai  thác cát, đá trên 73.000 m3; điện thương phẩm 37 triệu Kwh. Hoạt động thương mại dịch vụ, tài chính, ngân hàng có bước phát triển khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 700 tỷ đồng; thu ngân sách đạt trên 63 tỷ đồng; đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quần đầu người năm 2016 đạt 22,4 triệu đồng.

Với đà phát triển hiện nay, huyện M’Đrắk phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng giá trị sản xuất 4.240 tỷ đồng; tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 11-12%; cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng: nông lâm nghiệp chiếm 64-65%, công nghiệp - xây dựng từ 19-20%, thương mại dịnh vụ 16-17%...

Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế và chủ động nắm bắt cơ hội, khắc phục tồn tại, khó khăn, kinh tế - xã hội huyện M’Đrắk tiếp tục tiến bước trên con đường đổi mới và hội nhập.       

   Tiến Ninh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.