Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình tổ tư vấn ở huyện Ea Kar

08:41, 29/05/2017

Nhằm hạn chế thấp nhất sai sót, tạo điều kiện  thuận lợi giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để công dân khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, huyện Ea Kar đã thành lập tổ tư vấn giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan đến khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn. 

Theo Văn phòng  UBND huyện Ea Kar, thành viên tổ tư vấn gồm lãnh đạo các phòng: Tư pháp, Tài nguyên – Môi trường; chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng, Trưởng Ban tiếp công dân. Tùy thuộc vào nội dung mà từng vụ việc được giao cho cơ quan chuyên môn liên quan xử lý, giải quyết một cách phù hợp nhất, khách quan, đúng luật và bảo đảm về mặt thời gian cho công dân. Nếu ví việc xử lý một vụ việc như một ca phẫu thuật của bác sĩ, thì công việc của tổ tư vấn đóng vai trò “hội chẩn”. Thành công hay không, phụ thuộc rất nhiều vào việc “hội chẩn” đúng hay sai. Ví dụ, một vụ khiếu kiện nào đó liên quan đến lĩnh vực đất đai, sẽ được giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường đảm trách, nhưng việc xử lý phức tạp cần sự hỗ trợ của tổ tư vấn, thì ngay lập tức tổ đó có thể được UBND huyện triệu tập, họp bàn giải quyết ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, có khi ngay cả ban đêm, vì cán bộ trong tổ tư vấn vẫn phải bảo đảm thời gian công tác tại vị trí việc làm của mình.

Một trong những vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm đã được UBND huyện giải quyết thành công có sự hỗ trợ đắc lực của tổ tư vấn đó là việc thu hồi đất của hộ bà Nguyễn Thị Làn liên kết trồng rừng sản xuất với Công ty Lâm nghiệp Ea Kar (thửa đất số 58, tiểu khu 703, thôn 6B xã Cư Elang) vào tháng 10-2016. Trước khi tổ chức cưỡng chế, chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, thuyết phục, nhưng gia đình bà Làn không đồng ý với phương án hỗ trợ di dời. Sự việc kéo dài trong hơn 2 năm, khi công trình kênh chính dài hơn 30 km đã hoàn thành, nhưng do chưa đấu nối được đoạn đi qua vườn nhà bà Làn nên không thể đưa vào sử dụng, gây ảnh hưởng  đến công năng của hồ chứa nước Ea Rớt và bức xúc trong nhân dân. Bằng biện pháp kiên quyết, chính quyền địa phương phải tiến hành cưỡng chế theo quy định của Pháp luật. Tuy nhiên, để có thể tiến hành cưỡng chế thành công đòi hỏi cả một quá trình vào cuộc của các ngành chức năng, đặc biệt là từ tổ tư vấn từ việc nghiên cứu hồ sơ, cơ sở pháp lý cũng như phương pháp tiến hành. 

Ông Lê Đình Chiến,  Phó Chủ tich UBND huyện Ea Kar cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều dự án đang triển khai đầu tư, xây dựng, vấn đề giải phóng mặt bằng luôn là một trong những công việc phức tạp nhất, luôn xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài. Để có thể triển khai dự án, cần bảo đảm về mặt pháp lý nhưng phải được sự đồng thuận của người dân.

Trước đây, tổ tư vấn được thành lập gắn liền với từng vụ việc cụ thể, sau khi xử lý xong thì tổ cũng tự “giải tán” nên thiếu tính chuyên nghiệp, hệ thống. Căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc thành lập tổ vừa bảo đảm giải quyết hiệu quả các vấn đề phức tạp trên địa bàn vừa tạo điều kiện nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Để phục vụ tốt cho công việc, vừa qua, huyện đã cử các thành viên trong tổ tham gia các lớp tập huấn về chính sách pháp luật đất đai, khiếu nại tố cáo tại Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hà Nội.

Có thể khẳng định, tổ tư vấn bước đầu đã hỗ trợ đắc lực cho cơ quan chức năng cũng như UBND huyện giải quyết quyết những vấn đề phức tạp, góp phần giải quyết hiệu quả khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, ổn định an ninh, chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.