Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn ngành công thương

13:44, 09/09/2016

Trong những năm qua, huyện Ea Kar đã chú trọng phát triển lĩnh vực công thương, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.

Ông Nguyễn Tấn Lượng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 – 2015 đạt 10.476,5 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 17,2%. Ngành này chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu, lao động tại chỗ; sản phẩm phần lớn phục vụ sản xuất và tiêu dùng tại địa phương, còn lại xuất đi tỉnh khác; tỷ trọng công nghiệp tính đến cuối năm 2015 chiếm 25,1% trong cơ cấu kinh tế. Trên địa bàn huyện có 44 doanh nghiệp và 860 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với tổng số 3.440 lao động, hoạt động trong các lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, phân bón, vật liệu xây dựng, cơ khí, may mặc… Riêng tại Cụm công nghiệp Ea Đa, hiện đã có 9 dự án đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 274 tỷ đồng, doanh thu hằng năm đạt gần 290 tỷ đồng.

Sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Việt Thắng  (Cụm công nghiệp Ea Đar).
Sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Việt Thắng (Cụm công nghiệp Ea Đar).

Cùng với sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại - dịch vụ cũng khá nhộn nhịp từ trung tâm huyện đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê của huyện, tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ đến năm 2015 đạt 3.845,6 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2010. Trong đó, dịch vụ viễn thông phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của người dân, tổng doanh thu đến năm 2015 đạt 102,6 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó, dịch vụ giao thông vận tải cũng rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân với các tuyến xe cố định đi đến các địa phương trong và ngoài tỉnh; xe buýt và xe taxi được đầu tư khai thác có hiệu quả. Hoạt động kinh doanh thương mại cũng phát triển mạnh, hệ thống chợ xã, thị trấn đều đã được quy hoạch mở rộng, đáp ứng nhu cầu cung cấp hàng hóa cho nhân dân. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện có 11 chợ, trong đó, chợ thị trấn Ea Kar và thị trấn Ea Knốp đạt tiêu chuẩn loại 2, còn lại 9 chợ đạt tiêu chuẩn loại 3. Đặc biệt, địa phương đã có trung tâm thương mại loại III, với diện tích 1.000 m2 do Công ty TNHH Thiên Long Phát đầu tư xây dựng với tổng vốn 70 tỷ đồng. 5 năm qua, tổng giá trị của riêng ngành thương mại - dịch vụ đạt 6.368,9 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng giá trị kinh tế - xã hội của huyện. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ trên địa bàn huyện đạt 2.179,6 tỷ đồng, tương đương 49,5% kế hoạch cả năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện Ea Kar phấn đấu nâng tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp lên 11.930 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ 8.350 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,3%, và 13,1%, đến năm 2020, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 27,9%; thương mại, dịch vụ 20,1% trong cơ cấu kinh tế xã hội của địa phương. Theo đó, sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến tinh bột ngô, xay xát gạo, tinh bột sắn, thức ăn chăn nuôi; cùng với phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng…

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.