Multimedia Đọc Báo in

Sắc xuân vùng đồi Ea Sin

20:01, 22/02/2015

Đến Ea Sin (huyện Krông Buk) dịp này, điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là sắc xuân đã và đang hiện hữu nơi vùng quê bình yên này. Đó không phải là những vườn đào đỏ thắm mang đặc trưng miền Bắc, hay những cành mai vàng rực biểu tượng của phương Nam mà chính là những con đường mới mở phẳng lì, những đường điện bừng sáng khắp các thôn, buôn được hoàn thành từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của người dân.

Xuân về trên những con đường mới

Nằm cách trung tâm huyện Krông Buk gần 40 km theo hướng Tây Bắc, từ lâu xã Ea Sin được đánh giá là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện. Xã Ea Sin được thành lập từ năm 2008 (tách ra từ xã Cư Né và Cư Pơng), có 626 hộ, 2.371 nhân khẩu, với 13 thành phần dân tộc anh em sinh sống, trong đó, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, Ea Sin được biết đến là vùng đồi có độ dốc cao, đất đai, khí hậu khắc nghiệt, người dân phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. 

Những ngày cuối năm, khi người dân đang rộn ràng chuẩn bị chào đón năm mới, cũng là lúc đoạn đường bê tông nối từ cụm trung tâm xã đến thôn Ea My sắp sửa hoàn thành - đây là đoạn cuối cùng của công trình đường giao thông liên xã Cư Né - Ea Sin dài 17 cây số, được đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, do UBND huyện Krông Buk làm chủ đầu tư. Đoạn đường chỉ dài hơn cây số, nhưng do địa hình dốc, trong nhiều năm qua việc đi lại của bà con địa phương cực kỳ khó khăn. Dịp Tết năm nay, đoạn đường hoàn thành, người dân nơi đây phấn khởi, nỗi ám ảnh trượt xe, vượt dốc bằng con đường lầy lội vào mùa mưa nay không còn. Anh Y Dinh Niê, buôn Ea Sin hồ hởi: “Buôn Ea Sin và thôn Ea My chỉ cách nhau đoạn đường này, nhưng mỗi lần có việc qua Ea My, anh rất ngại do đường sá cách trở, có lúc phải vật lộn tới 20 phút mới qua được con dốc kia. Còn giờ đây, con đường được mở rộng thênh thang bằng bê tông, chỉ mất chừng 3 phút là đã đến được Ea My rồi”. Được đón Tết bằng niềm vui trọn vẹn nhất phải kể đến người dân thôn Ea My, bởi trước đây đoạn đường là vật cản chia cắt, phải băng qua quả đồi mới đến được trung tâm xã thì nay nó lại là cầu nối xích gần khoảng cách giữa thôn với vùng trung tâm và các thôn, buôn lân cận. 

Đường vào xã Ea Sin được bê tông hóa, thuận lợi cho người dân đi lại.
Đường vào xã Ea Sin được bê tông hóa, thuận lợi cho người dân đi lại.

Không chỉ là con đường trung tâm, các trục đường tại các thôn, buôn cũng đang dần được cứng hóa bằng bê tông xi măng, cấp phối đá dăm từ chính công sức đóng góp của người dân. Được biết, năm 2014, xã Ea Sin đã huy động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng và trên 300 ngày công để làm mới, tu sửa các tuyến đường. Dẫn chúng tôi đi dọc con đường vào thôn Ea My, trưởng thôn Hoắc Công Vằng phấn khởi cho biết: “Phóng viên thấy đó, chỉ cách đây mấy tháng thôi, đường vào thôn chỉ là những lối mòn tự mở, đi mãi thành đường, mưa đến sình lầy, mùa nắng bụi đỏ giăng phủ khắp người mỗi lần qua lại. Còn giờ đây, nhờ sự chung tay góp sức của người dân, đoạn đường dài hơn 2 cây số của thôn đã được cấp phối, mở rộng 3,5 mét, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất. Nhờ đó, giá trị đất đai cũng tăng lên đáng kể, người dân hồ hởi mua sắm máy móc, vật dụng trong nhà”. Có được kết quả này, ngay từ đầu năm 2014, người dân trong thôn đã tự nguyện chặt bỏ hàng trăm cây cà phê trong thời kỳ kinh doanh, đóng góp khoảng 70 triệu đồng để mở đường. Điều đáng ghi nhận, khi ban tự quản thôn đưa ra chủ trương làm đường, tất cả các hộ thôn Ea My, từ gia đình khá giả đến hộ nghèo đều nhất trí cao. Được biết, thôn Ea My có 78 hộ, 261 nhân khẩu, chủ yếu người dân đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Với đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, từ 2 bàn tay trắng, người dân nơi đây đã vượt khó, nhiều hộ trở thành triệu phú, có trong tay từ 5 đến 10 ha đất sản xuất, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Đó cũng là yếu tố giúp việc huy động sức dân ở Ea My thêm phần thuận tiện, nhờ vậy không chỉ có con đường vào thôn được mở rộng, các công trình như cổng chào, phòng học và nhà Tình nghĩa cũng được hoàn thành trong năm 2014 bởi sự đóng góp của người dân. 

Lấp lánh ánh điện Ea Klang

Trong khi điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, để “cái khó không bó cái khôn”, 80 hộ dân thôn Ea Klang đã tự nguyện đóng góp gần 2 tỷ đồng để kéo điện về thôn. Cách trung tâm xã hơn 15 cây số, mấy năm trước, Ea Klang như một ốc đảo cô lập với thế giới bên ngoài. Trong 2 năm lại đây, kinh tế của các hộ gia đình dần ổn định, khấm khá hơn trước, nhà nhà có của ăn, của để thì nhu cầu dùng điện sinh hoạt, phục vụ sản xuất càng trở nên cấp thiết hơn. Từ thực trạng đó, ban tự quản thôn đã họp lại bàn bạc, lấy ý kiến từ các hộ dân về việc đóng góp tiền kéo đường điện về thôn. Khởi đầu, mọi việc cũng không mấy dễ dàng, bởi vẫn còn nhiều hộ băn khoăn, liệu dòng điện có về tới nơi hay không, tiền của công sức của người dân bỏ ra liệu có trở thành công cốc? Tuy nhiên, sau nhiều lần nỗ lực vận động từ ban tự quản, bà con đã tin tưởng, thống nhất cao với mức đóng góp 14 triệu đồng/ha. Điện về, Ea Klang nhộn nhịp hẳn lên, cảnh hiu hắt, vắng vẻ giờ không còn nữa. Nhà nào nhà nấy thi nhau mua tivi, tủ lạnh, máy vi tính và cả dàn karaoke loại xịn. Bên chiếc tivi mới mua, anh Nguyễn Đức Lục, một người dân trong buôn khoe với chúng tôi, điện về trong năm nay, anh cứ ngỡ như mình đang mơ, có điện rồi, giờ trong nhà anh vui hẳn lên. Có cái tivi, mọi thông tin thời sự cũng nắm được, đặc biệt anh học hỏi và áp dụng được rất nhiều cách làm hay trong sản xuất, chăn nuôi. Trong niềm vui chung với bà con, anh Thái Văn Hương, phó thôn Ea Klang niềm nở: Có điện rồi, mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất của bà con sẽ thuận tiện hơn nhiều; trong nay mai, Ea Klang sẽ xuất hiện nhiều triệu phú hơn nữa, cơ hội thoát nghèo sẽ rộng mở hơn với những hộ còn khó khăn.

Đứng từ trung tâm xã Ea Sin, nhìn bao quát một vùng đồi bạt ngàn trắng xóa hoa cà phê và những vườn tiêu xanh tốt, tin rằng vùng đồi này sẽ còn nhiều đổi thay.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc