Multimedia Đọc Báo in

Nợ đọng xây dựng cơ bản và những hệ lụy

08:52, 04/01/2014
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) có nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 1.600 tỷ đồng, chiếm 44% tổng thu NSNN năm 2013 của tỉnh.

Trong khi nợ đọng XDCB của cả nước là 42.000 tỷ đồng(1) (tính đến ngày 19-11), chiếm tỷ lệ 5% tổng thu NSNN năm 2013 thì Dak Lak đã vượt 39% so với mức chung toàn quốc, với tỷ lệ này đã đưa Dak Lak vào tốp 10 địa phương có nợ XDCB cao nhất toàn quốc. Nếu tính số nợ XDCB trên kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2012 do Kiểm toán Nhà nước công bố thì Dak Lak cũng xếp thứ 7/15 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cao nhất toàn quốc(2). Đây quả là những con số đáng báo động, không chỉ phản ánh tình trạng nợ công của Dak Lak đang gia tăng và ở mức khá cao, nó còn phản ánh một tình trạng “luẩn quẩn, bất ổn và dai dẳng” đang xuất hiện trong thanh toán đầu tư XDCB của tỉnh.

Nợ XDCB không chỉ làm gia tăng nợ công mà còn kéo theo nhiều hậu quả và hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế xã hội.          Ảnh: H.T
Nợ XDCB không chỉ làm gia tăng nợ công mà còn kéo theo nhiều hậu quả và hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế xã hội. Ảnh: H.T

Nợ XDCB không chỉ làm gia tăng nợ công mà còn kéo theo nhiều hậu quả và hệ lụy tiêu cực cho kinh tế xã hội. Cụ thể, khi nợ đọng XDCB (nợ công) ngày càng tăng lên và có tính chất dai dẳng thì cũng là lúc an ninh tài chính và an toàn nợ công không được  bảo đảm, đe dọa đến tăng trưởng kinh tế, từ đó dẫn đến hàng loạt các chỉ tiêu lớn về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh sẽ có nguy cơ không hoàn thành, điển hình như tăng trưởng, nợ công, thu NSNN, lao động và việc làm… Bên cạnh đó, khi các nhà thầu không có đủ vốn để thi công thì họ tất yếu sẽ phải vay nợ ngân hàng, nợ các doanh nghiệp cung ứng vật liệu, nợ lương công nhân, nợ thuế Nhà nước, dẫn đến chiếm dụng vốn lẫn nhau. Từ đó sản sinh hàng loạt rủi ro tiêu cực về khả năng thanh toán nợ, gây ra tình trạng bất ổn về tài chính cả trong ngắn và dài hạn không chỉ cho riêng các nhà thầu xây lắp mà cho hàng loạt các doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thiết bị, kéo theo đó là đời sống và việc làm của người lao động rơi vào thế bấp bênh. Kết cục cuối cùng là hàng loạt nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng, máy móc bị phá sản; người lao động thì mất việc làm; nợ xấu của ngân hàng vì thế mà không ngừng tăng lên.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các chỉ thị như: Chỉ thị số 27 CT-TTg ngày 10-10-2012; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24-5-2013 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24-6-2013 để yêu cầu các tỉnh phải nhận thức đúng tác động bất lợi do nợ đọng gây ra, đồng thời phải nhanh chóng lập lại kỷ cương trong đầu tư XDCB. Thủ tướng cũng yêu cầu từ năm 2013, các địa phương phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng XDCB trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương và coi đây là chỉ tiêu bắt buộc trong quy trình tổng hợp, bố trí và giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, bảo đảm hằng năm trước ngày 20-5 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng. Tuy nhiên, với Dak Lak, việc thực hiện giảm nợ đọng XDCB hiện nay theo các Chỉ thị nêu trên của Thủ tướng Chính phủ quả thực là một vấn đề rất khó khăn khi mà nguồn đầu tư từ ngân sách của tỉnh đang có nguy cơ ngày càng bị thu hẹp vì cân đối ngân sách của tỉnh đang bị đe dọa do hụt thu NSNN đang ngày một leo thang.

Để đối mặt và giải quyết những khó khăn nêu trên, từng bước giảm nợ đọng XDCB, thiết nghĩ tỉnh ta cần tập trung ngay thực hiện các giải pháp: Kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu từ lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn có tính chất NSNN. Đối với các dự án khởi công mới, cần chỉ đạo các cấp có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt; Các dự án đầu tư đã được quyết định đầu tư thì phải thực hiện theo kế hoạch mức vốn được giao, không được “xé rào” vượt vốn; các chủ đầu tư không yêu cầu nhà thầu ứng vốn thực hiện khi dự án chưa được bố trí vốn; chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí vốn. Tất cả các dự án đầu tư từ nguồn vốn NSNN đều phải được thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đúng quy định. Đối với dự án đầu tư sử dụng vốn NSNN của tỉnh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định nguồn vốn đầu tư và khả năng cân đối vốn cho từng dự án. Ngoài ra, cũng cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị liên quan (Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch các huyện, thị xã và thành phố; Giám đốc các công ty và chủ đầu tư sử dụng vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn có tính chất NSNN) thường xuyên chấn chỉnh và xiết chặt kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng vốn nhằm giảm tối đa, tiến tới chấm dứt tình trạng phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian tới.

1,2: Báo cáo tình hình nợ đọng XDCB của Bộ KH&ĐT ngày 19-11-2013

 Ths. Đăng Thủy

(Kiểm toán Nhà nước KV12)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.