Multimedia Đọc Báo in

Người nuôi gà “lênh đênh” theo giá trứng

14:40, 05/04/2013

Sau đợt tăng giá bất ngờ những ngày đầu năm 2013, đến nay giá trứng gà đang sụt giảm mạnh, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi lại một chiều tăng cao, khiến người nuôi gà không khỏi lao đao, nhiều gia đình lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần hoặc bỏ trống chuồng trại…

“Lao theo” gà vì giá trứng tăng

Thời điểm những ngày đầu năm 2013, giá trứng gia cầm nói chung, trứng gà nói riêng đã đột ngột tăng cao với mức kỷ lục khi từ mức 1.200 đồng/quả đã nhích dần lên 2.400- 2.900 đồng/quả. Điều này đã tạo tâm lý phấn khởi cho người nuôi gà đẻ trứng, nhất là những hộ chăn nuôi số lượng đàn lớn hàng nghìn con trở lên, mà bấy lâu nay đang gồng mình “cầm cự” do giá trứng thấp, chăn nuôi không có lãi. Giờ đây, người nuôi gà đã thu lãi lớn, nhiều hộ nắm bắt thời cơ, đầu tư mở rộng thêm quy mô sản xuất. Chị Phạm Thị Thi ở thôn 1, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: gia đình chị là một trong những hộ nuôi gà đẻ trứng nhiều năm trên địa bàn xã, với số lượng đàn thường xuyên 2.000 con. Những năm trước đây, việc chăn nuôi khá thuận lợi, mỗi tháng gia đình chị cũng thu lãi chừng 5-7 triệu đồng từ trứng gà. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến hết năm 2012, do tình hình dịch bệnh gia cầm trong tỉnh nói chung, xã Ea Kao nói riêng diễn ra thường xuyên và khá phức tạp, đến khi tái đàn để chăn nuôi trở lại cũng gặp khó khăn, giá trứng gà bán ra thấp, người chăn nuôi dường như không có lãi, nhiều hộ chỉ nuôi cầm chừng, thu nhỏ dần quy mô hoặc bán hết gà bỏ trống chuồng trại. Cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác, gia đình chị Thi đang loay hoay tìm hướng đi mới cho việc chăn nuôi gà thì giá trứng đột ngột tăng lên (có thời điểm giá trứng hôm sau tăng 1.200 đồng/quả so với ngày hôm trước), chưa bao giờ người nuôi gà đẻ lại lãi lớn đến vậy. Ngay tại thời điểm giá trứng 2.400 đồng/quả thì gia đình chị đã thu lãi khoảng 1,6 triệu đồng/ngày. Không ít hộ chăn nuôi trang trại quy mô lớn như gia đình ông Nguyễn Văn Nghị ở tổ dân phố 9, phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột), với số lượng đàn 20.000 con gà thì mỗi ngày ông thu lãi ròng 16 triệu đồng. Do giá trứng tăng cao, thấy lợi nhuận trước mắt lớn, nhiều hộ nuôi gà đã rục rịch mua thêm gà mẹ, mở rộng chuồng trại chăn nuôi với hy vọng làm giàu nhanh chóng. Nhiều hộ chưa từng nuôi gà đẻ cũng tìm đủ mọi cách vay vốn để “lao theo” loại gia cầm này, kéo theo thị trường gà giống cũng ngày một trở nên “nóng” hơn. Anh Nghị tiết lộ: “Thấy lợi nhuận từ nuôi gà bỗng nhiên tăng cao nên gia đình tôi cũng quyết định bỏ vốn đầu tư thêm 300 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng trại, mua thêm 2.000 gà giống (khoảng 1 tháng tuổi) với giá 130.000 đồng/con (giá tăng lên 10-15% so với thời điểm cuối năm 2012), nhưng cũng phải hẹn trước khoảng 10 ngày với chủ lò ấp gà tận Bình Định mới có, chứ tại địa bàn Dak Lak rất khó mua, vì sức cung của các lò ấp không đủ đáp ứng cho nhu cầu của người chăn nuôi trong tỉnh”.


Giá trứng giảm mạnh, người nuôi gà lại hoang mang vì thua lỗ.
Giá trứng giảm mạnh, người nuôi gà lại hoang mang vì thua lỗ.

 

Hậu giá trứng tăng - người nuôi gà lại thua lỗ

Trứng gà tăng giá đột biến, kéo theo nhiều mặt hàng liên quan khác cũng được dịp đội giá, đặc biệt là thức ăn tổng hợp cho gia cầm. Theo nhận định của người chăn nuôi trong tỉnh, cuối năm 2012, giá thức ăn chăn nuôi gia cầm mới chỉ khoảng 10.000-11.000 đồng/kg, sau đó tăng dần theo giá trứng và đỉnh điểm là 15.000 đồng/kg như hiện nay. Việc tăng giá này chưa có gì đáng nói nếu như giá trứng vẫn giữ ở mức cao như trước. Song, chỉ sau thời gian ngắn chừng 2 tháng giữ kỷ lục về giá (từ ngày 5-1 đến khoảng đầu tháng 2-2013), giá trứng lại bắt đầu giảm mạnh, đến nay chỉ còn khoảng 1.400-1.650 đồng/quả, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn giữ ở mức tăng cao như đã nói trên, khiến người chăn nuôi bắt đầu cảm thấy lo ngại. Chưa kể, nhiều hộ dân sau khi đã dốc hết vốn liếng để đầu tư thêm chuồng trại, gà giống… mở rộng quy mô chăn nuôi, đến nay, chưa kịp thu hồi vốn thì giá trứng gà lại giảm mạnh. Nhiều hộ khăn hơn phải loay hoay vay vốn để “chạy theo” gà khi giá trứng tăng, đến nay cũng nhận quả đắng. Việc chăn nuôi càng gặp khó khăn hơn đối với những hộ mới bắt đầu nuôi, do sự đầu tư dàn trải lại chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi nên gà dễ bị mắc bệnh và chết, nhiều hộ bắt đầu lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần bủa vây như gia đình anh Đinh Ngọc Lâm ở xã Ea B’hôk (huyện Cư Kuin), chị H’Linh Niê, thôn 2, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn)… đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng khu chuồng trại nuôi gà đẻ trứng nhưng đến nay đàn gà bị bệnh chết nhiều, số gà còn lại đến nay vẫn chưa đẻ trứng… Vì thế, nhiều hộ đã tìm cách “bán đổ bán tháo” đàn gà hoặc sang nhượng chuồng trại mong gỡ gạc chút vốn còm trả nợ dần. Bên cạnh đó, đối với những hộ chăn nuôi lâu năm, để tồn tại cũng phải tìm đủ mọi cách để giảm phần nào chi phí. Anh Nguyễn Văn Nghị cho hay, nếu phụ thuộc hoàn toàn việc mua cám tổng hợp đóng bao sẵn ngoài thị trường thì người nuôi gà không có lãi, bởi tính ra một ngày mỗi con gà ăn 115 gam thức ăn chưa kể cho ăn thêm bổ sung, tiền thuê nhân công, hao hụt khi nuôi gà mẹ… với mức chi phí khoảng 15.000 đồng/con/ngày, trong khi đàn gà 20.000 con của anh mỗi ngày đẻ trứng chỉ đạt tỷ lệ 80-90%. Chính vì vậy, để duy trì việc chăn nuôi, anh đã phải đầu tư hệ thống máy nghiền bột, mua riêng các nguyên liệu ngô, đậu, lúa… để tự chế biến thức ăn chăn nuôi ngay tại nhà. Nhờ thế đã giảm chi phí thức ăn chăn nuôi xuống còn khoảng 13.000 đồng/kg, mỗi tháng thu lãi khoảng 7- 10 triệu đồng. Trước “cú sốc” tăng - giảm đột ngột của giá trứng trong thời gian qua, người nuôi gà sau khi có được một dịp hân hoan với nguồn lãi “khủng”, giờ đây lại trở về mốc của những năm trước đây, đau đầu với bài toán kinh tế khó khăn.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.