Multimedia Đọc Báo in

Nhìn lại việc thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo trồng cao su

06:11, 17/12/2012

Triển khai thực hiện Quyết định số 750/QĐ-TTg, ngày 3-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, UBND tỉnh Dak Lak đã ban hành Quyết định số 3061/QĐ-UBND, ngày 3-11-2009 phê duyệt quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh Dak Lak giai đoạn 2009-2020, cấp giấy phép cho các doanh nghiệp khảo sát, lập dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực hiện chương trình này đã nảy sinh những bất cập…

Nhiều diện tích rừng thuộc dự án của Công ty Cổ phần Vinamit bị khai thác,  tận thu, chặt phá nhưng công tác trồng rừng thì đã thất bại.
Nhiều diện tích rừng thuộc dự án của Công ty Cổ phần Vinamit bị khai thác, tận thu, chặt phá nhưng công tác trồng rừng thì đã thất bại.

Sau khi có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch phát triển cao su tại Tây Nguyên, theo thống kê chưa đầy đủ, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án (trồng rừng, cải tạo, trồng cao su…) trên đất lâm nghiệp với diện tích hơn 215.720 ha. Trong đó riêng tại Dak Lak, tỉnh đã cho phép 90 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào khảo sát, lập 104 dự án đầu tư trồng rừng, trồng cao su và một số loại cây nông lâm nghiệp khác.

Bất cập

Với mục đích phủ xanh đất trống đồi trọc, khai thác, phát huy hiệu quả từ việc chuyển đổi rừng nghèo, sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu mọi dự án đều được triển khai đúng tiến độ, đúng phương án phê duyệt và cả đúng mục đích sử dụng đất rừng. Tuy nhiên, sự ồ ạt của các dự án đã tạo tâm lý, phản ứng dây chuyền khiến một số người dân tổ chức chiếm đất, phá rừng trái phép trong khu vực dự án để lấy đất hoặc để đòi chủ dự án bồi thường, tạo áp lực lớn đến công tác bảo vệ rừng. Trong khi đó, nhiều chủ dự án thiếu năng lực tài chính, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng để rừng bị phá, lấn chiếm nhưng không có biện pháp ngăn chặn. Nhiều cánh rừng đã được khai thác, tận thu gỗ, còn việc trồng rừng theo như mục tiêu của dự án và chủ trương của tỉnh thì đang chậm và vướng... Sau gần 4 năm thực hiện, đến nay các doanh nghiệp chỉ mới trồng được hơn 7.235 ha cao su, gần 8.000 ha rừng. Tiến độ trồng cao su, trồng rừng rất chậm với so với kế hoạch, còn việc tận thu gỗ trên diện tích rừng được phép chuyển đổi được các doanh nghiệp triển khai nhanh chóng với 44 nghìn mét khối gỗ trên diện tích 7.343 ha rừng. Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến tháng 9-2012, toàn tỉnh có  gần 10 nghìn ha rừng bị tàn phá và lấn chiếm, trong đó có gần 3.000 ha rừng và đất lâm nghiệp bị chặt phá và lấn chiếm thuộc quản lý của các dự án.

Đơn cử như đối với Dự án đầu tư quản lý bảo vệ rừng và trồng cây mít do Công ty Cổ phần Vinamit làm chủ đầu tư, ngày 8-12-2010, UBND tỉnh có quyết định về việc thu hồi 925,83 ha đất tại tiểu khu 294,295 thuộc địa bàn xã Cư M’lan, huyện Ea Súp của Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh để giao cho công ty này. Quyết định nêu rõ, Công ty Cổ phần Vinamit có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, ranh giới diện tích đất được thuê, chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất kinh doanh quản lý bảo vệ rừng trên đất được thuê theo đúng dự án đã được thẩm định. Nếu để rừng bị xâm hại, thất thoát thì phải bồi thường và chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định. Từ khi có quyết định giao đất (13-7-2011) đến thời điểm đầu năm 2012, chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành triển khai kiểm tra thực hiện dự án. Nguyên nhân do hiện trạng rừng và đất của dự án có nhiều biến động so với kết quả điều tra, chưa thỏa thuận được với các hộ dân lấn chiếm đất và đang sản xuất trên đất dự án. Đến ngày 18-6-2012, kết quả rà soát hiện trạng về rừng và đất lâm nghiệp của dự án Công ty Vinamit cho thấy, diện tích còn rừng  là 170,4 ha, chiếm 18,7% và diện tích rừng mất là 741,6 ha, chiếm 81,3%, trong đó: trồng cao su 58 ha, trồng điều 5,5 ha, trồng hoa màu các loại 133,4 ha, rừng bị cắt hạ, gom đốt nhưng chưa trồng tỉa 544,749 ha. Đến ngày 23-7-2012, UBND tỉnh có quyết định thu hồi số diện tích trên giao lại cho Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh để sử dụng vào mục đích đất rừng sản xuất. Đây cũng là kết cục buồn của một dự án sau hai năm giao đất, giao rừng nhưng rừng nghèo đã được khai thác xong, còn việc trồng thì chẳng được là bao nếu không nói là không triển khai.

Tại xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, số phận của Dự án trồng rừng kinh tế bằng cao su của Công ty TNHH Hữu Bích cũng chẳng sáng sủa hơn. Trên tổng diện tích 113,5 ha đất lâm nghiệp được giao thuộc địa bàn xã Ea Huar, công ty này mới chỉ trồng 40 ha cao su, số diện tích còn lại hầu hết đã bị người dân lấn chiếm. Hơn thế, ngày 2-1-2012, ông Lai Hoàng Xương, thường trú tại 327 Tôn Đản, phường 15, quận 4, TP. Hồ Chí Minh có đơn phản ánh ông Lê Hữu Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Hữu Bích bán cho ông 30 ha đất của dự án với số tiền 300 triệu đồng. Ông Hậu đã nhận số tiền trên nhưng chưa giao đất. Đây thực chất là việc thỏa thuận sang nhượng đất của dự án, việc làm này không đúng với dự án đã được thẩm định và quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh.

...Và những hệ lụy

Các địa phương có dự án trồng cao su, trồng rừng cho rằng, việc triển khai dự án do UBND tỉnh phê duyệt, ngoài việc thực hiện theo đúng quy trình để phê duyệt thực hiện dự án, cần có những bước đi chắc chắn bằng việc thử nghiệm một vài mô hình, dự án để rút kinh nghiệm vì “thả gà vào rừng thì biết đường nào mà đuổi”, trong khi rừng bị phá, bị mất không thể một sớm một chiều mà gây dựng lại được. Câu chuyện về quản lý bảo vệ rừng chưa có hồi kết thì sự góp mặt của những dự án trồng rừng như trên ít nhiều cũng đã tạo thêm áp lực cho chính quyền cơ sở. Đơn cử như tại huyện Ea Súp, với hơn 20 dự án chuyển đổi từ rừng sang trồng cao su, các dự án trồng rừng, cải tạo rừng và các dự án nông lâm nghiệp khác, nội riêng công tác quản lý nhân khẩu, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn cũng rất phức tạp. Và theo chính quyền địa phương ở đây, doanh nghiệp đã được thuê đất trồng rừng phải có trách nhiệm bảo vệ rừng và để mất rừng thì phải xử lý theo quy định. Còn lãnh đạo huyện Ea H’leo thì cho rằng, đối với những dự án đang nảy sinh nhiều bất cập, sự cần thiết bây giờ là dừng dự án, tập trung quản lý bảo vệ rừng. Hiệu quả kinh tế của các dự án chưa được kiểm chứng nhưng hậu quả thực tế đã diễn ra trước mắt, đó là việc mất rừng đang làm cho khí hậu trở nên khắc nghiệt, hạn hán, mất nguồn nước và ngập lụt thường xuyên xảy ra. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam, phá rừng trồng cao su làm mất thảm thực vật, ảnh hưởng đến lớn nguồn nước ngầm.

Từ những bất cập, vướng mắc nảy sinh trong thực tế, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng đã được tỉnh giao đất, cho thuê đất, thuê rừng. Theo đó, tỉnh đã thu hồi 32 dự án không  có hiệu quả. Hiện tại còn có 57 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang thực hiện 71 dự án tại các  huyện Ea Súp, Ea H’leo, Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Năng. Tuy nhiên, trong số này, không ai có thể kiểm nghiệm được hết doanh nghiệp về năng lực tài chính, kinh nghiệm trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng. Những chủ dự án không thực hiện đúng quy định, để mất rừng cũng chưa có đơn vị nào chịu trách nhiệm. Ngay cả việc thu hồi đất bị người dân lấn chiếm cũng đang là một vấn đề nan giải. Quả bóng mất rừng từ những dự án chuyển đổi rừng đang được đẩy qua đẩy lại giữa chính quyền địa phương – doanh nghiệp – cơ quan chức năng trong ngành lâm nghiệp. Trái bóng ấy vẫn lăn thì cây rừng vẫn bị triệt hạ, trong khi biến đổi khí hậu do mất rừng đang diễn ra trước mắt, còn trồng lại rừng, cũng là chỉ rừng nguyên liệu sản xuất giấy, để có những cánh rừng nguyên sinh, phải mất đến hàng chục, hàng trăm năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản số 4039/BNN–TCLN gửi Văn phòng Chính phủ xin chủ trương khảo sát hiện trạng rừng khu vực Tây Nguyên bằng máy bay và tổ chức hội nghị về quản lý rừng Tây Nguyên. Theo đó, sau khi khảo sát hiện trạng rừng bằng máy bay, Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011–2020 tổ chức hội nghị sơ kết việc chuyển đổi rừng, đất lâm nghiệp để trồng cao su tại các tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương khác. Dư luận mong chờ và hy vọng, sau hội nghị này sẽ có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm để có những bước đi vững chắc hơn.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.