Multimedia Đọc Báo in

Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII: "Đòn bẩy" quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk

08:50, 31/08/2018

Với những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII của Đảng đã và đang trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc. Đối với Đắk Lắk, sau một năm học tập, triển khai thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII đã mang lại nhiều dấu ấn đổi mới trong quá trình phát triển của địa phương.

Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn đồng chí PHẠM MINH TẤN, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy để làm rõ thêm nội dung này.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn.

°Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã cụ thể hóa, làm sâu sắc hơn những phương hướng do Đại hội XII đề ra với việc ban hành 3 Nghị quyết về kinh tế: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Về sắp xếp tổ chức cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); Về phát triển kinh tế tư nhân.  Xin đồng chí cho biết những chương trình hành động của Tỉnh ủy để cụ thể hóa các chương trình, mục tiêu của Nghị quyết đề ra khi triển khai thực hiện tại địa phương?

- Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 38-KH/TU, ngày 23-6-2017 về tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai học tập, nghiên cứu  phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Ngày 4-10-2017, Tỉnh ủy cũng đã ban hành các chương trình thực hiện như: Chương trình số 17-Ctr/TU về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Chương trình số 18-Ctr/TU về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Chương trình số 19-Ctr/TU thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.

Việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết được tổ chức khẩn trương,  nghiêm túc, đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức, từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh nêu cao quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết đề ra.

Đoàn  chuyên gia Úc thăm  và tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp tại  Đắk Lắk  năm 2017.
Đoàn chuyên gia Úc thăm và tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp tại Đắk Lắk năm 2017.

°Các Nghị quyết về kinh tế của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII được tỉnh ta quán triệt và triển khai thực hiện với quyết tâm tạo động lực mới và sự đột phá trong phát triển kinh tế. Xin đồng chí chia sẻ về những thành tựu nổi bật trong năm qua?

- Nội dung trọng tâm của các Nghị quyết này là những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại DNNN và phát triển kinh tế tư nhân. Đây là những chủ thể rất quan trọng, là nơi tạo ra của cải vật chất chủ yếu của nền kinh tế. Vì vậy để thực hiện có hiệu quả những Nghị quyết này đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp cũng như sự đoàn kết nhất trí của các tầng lớp Nhân dân. Các chương trình hành động của Tỉnh ủy đã được UBND tỉnh cụ thể bằng các kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đến nay đã đạt nhiều thành tựu trên một số lĩnh vực. Nền kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, gắn kết tăng trưởng với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,52% đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vượt kế hoạch với 4.679 tỷ đồng (đạt 104% dự toán HĐND tỉnh giao).

Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, tỉnh đã không ngừng tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo. Cuối năm 2017, có 100% các sở, ngành, địa phương đã triển khai Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông, cung cấp 995 thủ tục hành chính mức độ 2, 446 thủ tục hành chính mức độ 3, 12 thủ tục hành chính mức độ 4. Qua đó, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng về hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước các cấp. Bên cạnh đó, công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian qua được đặc biệt quan tâm và thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức: đối thoại doanh nghiệp, ngày thứ năm doanh nghiệp, cà phê doanh nhân, dân hỏi - thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời… Đến tháng 5-2018, trên địa bàn tỉnh có 7.128 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 48 doanh nghiệp Nhà nước, 7.073 doanh nghiệp dân doanh, 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế hợp tác xã phát triển theo hướng tích cực, hợp tác xã hoạt động yếu kém tiếp tục được củng cố. Việc đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN được tỉnh đặc biệt chú trọng, đến nay 6 công ty hoàn tất việc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, 1 công ty cổ phần, các công ty còn lại đang tập trung triển khai thực hiện theo lộ trình kế hoạch đề ra…

°Có thể thấy, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, hiện vẫn còn không ít hạn chế, xin đồng chí có thể chỉ ra những nguyên nhân cơ bản? Để các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết tiếp tục được đưa vào cuộc sống, trong thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện những giải pháp gì thưa đồng chí?

- Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, hiện vẫn còn không ít hạn chế đặc biệt là: kinh tế phát triển chưa thật sự nhanh và bền vững; chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển; quá trình đối mới DNNN vẫn còn gặp những rào cản… Có thể thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của những hạn chế đó là: Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa đầy đủ; năng lực xây dựng và thực thi thể chế còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường; vai trò, chức năng, phương thức hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị chậm được đổi mới… Chính vì vậy, để các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết tiếp tục được đưa vào cuộc sống, Tỉnh ủy đã chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp: đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền; hoàn thiện về thể chế sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo; phát triên đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…

°Xin cảm ơn đồng chí

Lê Hương (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.